Chiều 25/4, Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN được tổ chức, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin, đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Phó Thống đốc, mức tăng trên chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước (6,46%), dù đây là thời điểm ngay sau khi kết thúc dịch và cũng thấp hơn trước dịch khi tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2019 đạt 3,64%. Con số trên cũng còn khiêm tốn so với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% (có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế). Một số ngân hàng, mới chỉ tăng hơn 1%. Thậm chí, có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện rất dồi dào, không có lý do gì để nói tín dụng tăng trưởng thấp vì thiếu vốn, thiếu room tín dụng.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, Phó Thống đốc cho hay, lý do đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan.
Có thể kể đến như trong 4 tháng đầu năm, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát cao, một số ngân hàng trên thế giới tuyên bố phá sản. Vụ việc người dân rút tiền hàng loạt tại SCB khiến các khoản cho vay có xu hướng chặt chẽ hơn, từ đó làm giảm tăng trưởng tín dụng. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn thu hẹp.
Ngoài ra, việc thị trường bất động sản chững lại sau giai đoạn sôi động, chủ yếu do vướng mắc pháp lý của các dự án, tăng trưởng tín dụng bất động sản thấp hơn mức tăng trưởng chung.
Tại Hội nghị, lãnh đạo hàng loạt ngân hàng lớn cũng giải thích về mức tăng chậm của tín dụng trong 4 tháng đầu năm, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân từ khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn dẫn đến khả năng hấp thụ vốn giảm. Các khách hàng doanh nghiệp khó khăn nên cũng thận trọng trong quyết định đầu tư kinh doanh.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý II do NHNN thực hiện, dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Chứng khoán VNDirect cũng dự báo tăng trưởng cho vay sẽ chậm lại, khoảng 12%, do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ kỳ vọng khi tình hình kinh tế chung khởi sắc trở lại từ cuối quý II, đầu quý III và mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng có thể lên mức cao hơn. Đồng thời, ông cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khi được triển khai cũng sẽ là động lực tích cực.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định tuy tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm, nhưng NHNN vẫn tính toán tín dụng trong năm nay tăng khoảng 14-15%.
Ngân hàng vẫn lãi lớn
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, với lợi nhuận khả quan dù tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.
Trong đó, hầu hết số liệu công bố đều cho thấy mức tăng trưởng dương, có ngân hàng còn ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt được trong quý I tới cả vạn tỷ đồng
Dẫn đầu vẫn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận riêng lẻ trong quý I đạt 11.050 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26% kết hoạch năm 2023. Tín dụng của Vietcombank đến hết quý I tăng 2,5%, huy động vốn tăng hơn 3,2%, cao hơn mặt bằng chung của hệ thống.
Đứng thứ 2 là Techcombank. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank trong quý I đạt 5.600 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 18,5% so với quý liền trước, hoàn thành trên 25% kế hoạch cả năm.
Lợi nhuận trong quý I của ACB đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch cả năm. Huy động vốn tăng trưởng 2,1% so với cuối năm trước; dư nợ tín dụng giảm nhẹ 0,6%.
Ngân hàng VPBank trong quý I đã thu về lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động là 11,5%.
Lợi nhuận trước thuế quý đầu năm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng nhẹ 12% lên mức 3.600 tỷ đồng. Tăng trưởng huy động vốn của SHB đạt trên 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 6%.
Nhiều ngân hàng khác có lợi nhuận quý I trên 1.000 tỷ đồng. Có thể kể đến Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 1.765 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với 1.566 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 1.500 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ghi nhận 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I, tăng 11% so với cùng kỳ.
Còn tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), lợi nhuận quý I đều tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 612 tỷ đồng và 105 tỷ đồng.
Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2023, nhóm phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect đánh giá tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại, chỉ ở mức khoảng 10-11%, thay vì mức 32% của năm 2022, do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có thể cải thiện hơn trong quý II nếu các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tác dụng của dòng vốn tín dụng sẽ có “độ trễ” nhất định. Nếu dòng vốn tín dụng được khơi thông mạnh mẽ, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có triển vọng khởi sắc từ quý III năm nay.
Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, các ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 cẩn trọng trước những khó khăn hiện tại, trong đó, cân nhắc đến yếu tố nhu cầu tín dụng thấp hơn, chi phí tín dụng cao hơn và nợ xấu gia tăng.
Ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cho năm nay phổ biến trong khoảng từ 10-17%, trong khi năm ngoái là 30-70%.
Theo Thương hiệu Pháp luật