Theo khảo sát, đến thời điểm hiện tại đã có 17/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Phần lớn các nhà băng đều chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thông qua các chương trình phát hành ưu đãi cho người lao động (ESOP) để tăng vốn.
Trong đó, ngân hàng có mức tăng vốn điều lệ cao nhất là VPBank. Cụ thể, nhà băng này dự kiến tăng vốn từ 67.434 tỷ lên hơn 79.339 tỷ đồng (tăng khoảng 12.207 tỷ đồng). Để thực hiện được mục tiêu, VPBank sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation và phát hành hơn 30,2 triệu cổ phiếu ESOP. Sau phát hành, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Đại hội cổ đông chiều 18/04 đã thông qua kế hoạch này.
MB theo sau với vốn điều lệ dự kiến tăng thêm là 9.023,5 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch, ngân hàng sẽ phát hành hơn 748 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,5%. Đồng thời, MB sẽ tiếp tục triển khai chương trình chào bán riêng lẻ và phát hành ESOP 154,24 triệu cổ phiếu theo nghị quyết đại hội cổ đông năm 2022. Nếu kế hoạch thuận lợi, vốn điều lệ của MB sẽ lên 54.363 tỷ đồng trong năm nay.
OCB trong khi đó kỳ vọng vốn điều lệ sẽ tăng thêm 6.849 tỷ trong năm nay qua việc phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Nếu kế hoạch thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ chính thức vượt mốc 20.500 tỷ.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức hôm 08/04, các cổ đông NCB cũng đã thông qua kế hoạch phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 5.602 tỷ lên gần 11.802 tỷ (tăng ~6.850 tỷ).
Trong tài liệu đại hội cổ đông mới vừa công bố, TPBank có đề xuất tăng vốn điều lệ từ 15.818 tỷ lên 22.016 tỷ (tăng 6.198 tỷ). Tuy nhiên, kế hoạch chi tiết lại chưa được nêu rõ.
Tại đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2023 vừa được tổ chức hôm 11/04, các cổ đông SHB đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 30.673,8 tỷ lên hơn 36.194,2 tỷ (tăng ~ 5.972 tỷ). Ngân hàng sẽ phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% và 45,12 triệu cổ phiếu ESOP để hoàn thành mục tiêu trên. Với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 36.600 tỷ đồng trong năm nay, SHB tiếp tục củng cố vị thế nằm trong top NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn.
Theo tài liệu đại hội cổ đông vừa được công bố, năm nay SeABank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.500 tỷ. Nhà băng này dự định sẽ phát hành hơn 550 triệu cổ phiếu để thực hiện tăng vốn. Trong đó có: 1) 295,2 triệu cổ phiếu được dùng để trả cổ tức năm 2022; 2) hơn 118,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu; 3) chương trình ESOP năm 2023 (42 triệu cổ phiếu); 4) chào bán riêng lẻ (94,6 triệu cổ phiếu).
ACB, VIB, HDBank cũng có chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành theo chương trình cho cán bộ công nhân viên. Mức vốn điều lệ dự kiến tăng thêm của 3 ngân hàng này lần lượt là 5.066,15 tỷ, 4.291,35 tỷ và 3.972,89 tỷ đồng.
Các ông lớn BIDV, VietinBank, Vietcombank vẫn chưa công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ cụ thể, vì còn chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài danh sách kể trên, chỉ có một số ít nhà băng như MSB, VietABank, PGbank giữ nguyên mức vốn cuối năm trước.
Việc tăng vốn điều lệ có thể giúp các ngân hàng đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động cũng như có thêm nguồn lực để phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, năm nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã “bật đèn xanh” cho các ngân hàng được chia cổ tức bằng tiền mặt trở lại. Tuy nhiên, nhà điều hành cũng quy định các nhà băng có vốn điều lệ dưới 15.000 tỷ sẽ không được phép chia cổ tức bằng tiền mặt. Do đó, việc tăng vốn điều lệ trong năm nay của các nhà băng còn mang ý nghĩa đảm bảo khả năng chia cổ tức bằng tiền mặt trong tương lai cho cổ đông.