Một số giải pháp thu hút FDI có chọn lọc vào bất động sản

admin
Theo phân tích của một số chuyên gia, hiện nay môi trường đầu tư bất động sản tại Việt Nam đang tồn tại một số vấn đề như thủ tục phức tạp, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, và đặc biệt là thời gian gần đây, tín dụng và kênh trái phiếu doanh nghiệp bị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.

Trong giai đoạn tăng trưởng của những năm trước, thị trường bất động sản Việt Nam có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời đóng góp 13-15% GDP, liên quan tới khoảng 40 ngành nghề, thu hút hàng triệu lao động.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng 30,4% và thành lập mới giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022: "Lĩnh vực bất động sản tạo ra diện mạo đô thị, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam và nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân. Thế nhưng từ cuối năm 2022 gặp nhiều khó khăn, thanh khoản kém, hàng ngàn dự án dở dang".

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện nay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/5, ngành bất động sản đã mất vị trí thứ 2 trong trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn FDI kể từ tháng 4 năm nay. Trong khi đó, hoạt động tài chính, ngân hàng vươn lên đứng vị trí thứ 2.

Một số giải pháp thu hút FDI có chọn lọc vào bất động sản. Ảnh minh hoạ

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhận định, bất động sản là một trong các lĩnh vực rất thu hút nguồn vốn ngoại quốc chảy vào. Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực như chính trị an toàn, tăng trưởng kinh tế ổn định, nhân lực dồi dào, địa lý thuận lợi.

"Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần chuẩn hóa thị trường Việt Nam, từ đó tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn các khó khăn của thị trường khi thu hút nhà đầu tư bao gồm: "Các dự án tại nước ta tính hiệu quả chưa cao: quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai và nảy sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội. Thủ tục hành chính phức tạp liên quan tới đất đai, đầu tư, xây dựng. Tín dụng bất động sản và phát hành trái phiếu vẫn đang kiểm soát chặt"

Như vậy, muốn bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhiều giải pháp đã được Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch đầu tư kiến nghị tại Hội thảo Tiềm năng bất động sản Việt Nam.

Theo đó, có 3 giải pháp chính được các bộ, ngành kiến nghị để thu hút các dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản có chọn lọc trong thời gian tới đó là: chủ động chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp phát triển bền vững gắn với phát triển thị trường bất động sản. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý các loại hình bất động sản mới và điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Việc thu hút nhiều dự án FDI bất động sản có chọn lọc trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ giúp đa dạng hóa các loại hình bất động sản tại Việt Nam.

{