Chia sẻ tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023, với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới”, diễn ra ngày 11/7, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh sự sụt giảm cầu trong thị trường bất động sản là rất mạnh.
Dẫn báo cáo của các đơn vị môi giới bất động sản, ông Đính cho biết quý I/2023 chỉ có 2.700 giao dịch nhà ở được thành công trên toàn thị trường và quý II tăng lên trên 3.700 giao dịch. Như vậy, trong hai quý vừa qua chỉ có khoảng 6.000 giao dịch nhà ở được thành công. Nếu so với 2018, 2019 thì con số này chỉ đạt vài %, điều này cho thấy sự sụt giảm của cầu về nhà ở rất là mạnh.
“Năm 2018, theo thống kê của chúng tôi, có hơn 200.000 giao dịch từ các dự án mới về nhà ở, năm 2019 có 180.000 sản phẩm giao dịch thành công. Điều này có nghĩa là giá trị giao dịch mua bán nhà từ gần 1 triệu tỷ đồng (hàng năm) nay giảm chỉ còn vài nghìn tỷ đồng. Theo tính toán của chúng tôi, ngành bất động sản chiếm tới 15% GDP và lan toả sang gần 40 ngành khác (chiếm khoảng 17% -18% GDP)”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, nguyên nhân cơ bản khiến giao dịch về nhà ở giảm mạnh là do nguồn cung không đảm bảo, dòng tiền, giá bán và tâm lý của các nhà đầu tư, khách hàng lo ngại rủi ro, lãi suất cao. Trong đó, nguyên nhân chủ đạo là nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu số đông. Sự thiếu hụt này có liên quan đến hàng nghìn dự án đang vướng mắc về pháp lý không thể tham gia thị trường.
Ông Đính cho rằng: “Nguồn cung trên thị trường bất động sản hiện nay là cực kỳ nghèo nàn và không có chất lượng, rất yếu và không phù hợp. Hiện nay đang có hơn 200 dự án bất động sản đang 'chào hàng' trên thị trường, tuy nhiên, phần lớn dự án có nguồn cung không phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tất nhiên đây không phải là sự thiếu hụt nghiêm trọng mà chỉ là sự thiếu hụt tạm thời. Bởi hiện nay đang có trên 1.000 dự án đang phải nằm chực chờ do liên quan tới điểm nghẽn về pháp lý. Các dự án này đang rất muốn tham gia vào thị trường nhưng không thể tham gia, thậm chí có những dự án đã hoàn thành rồi, cơ bản có thể đưa vào thị trường được rồi nhưng vẫn bị vướng".
Ông Đính dẫn chứng rằng có những dự án đã hoàn thành có thể bán cho người dân theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, tuy nhiên, theo một số luật khác thì cần phải hoàn thành hệ thống hạ tầng (không chỉ riêng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đường, điện, nước mà còn liên quan tới hạ tầng dịch vụ - xã hội…). Vấn đề đặt ra là tầng dịch vụ - xã hội sẽ do ai làm. Có nhiều dự án nhà nước làm nhưng lại đang từ chối làm, dẫn đến là các dự án này không thể đưa vào thị trường để tham gia nguồn cung, mà những dự án này có chất lượng hàng hoá phù hợp với nhu cầu của xã hội, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
“Rõ ràng có một thực tế hiện hữu đó là nguồn cung đang kém chất lượng, trong khi nguồn cung có thể đáp ứng thị trường thì đang bị vướng, bị nghẽn của nhiều vấn đề về pháp lý”, ông Đính cho hay.
Đề xuất về giải pháp gỡ nghẽn cho thị trường bất động sản, Chủ tịch VARS cho rằng Chính phủ đã lựa chọn rất đúng và trúng giải pháp phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến khâu triển khai lại vướng ở chính sách, khiến các bên tham gia không mặn mà, không kích thích được thị trường.
Chính vì vậy, để phát triển các dự án nhà ở xã hội thành công, ông Đính cho rằng cần phải thay đổi cách nhìn về các dự án này, tránh có tư tưởng, cơ chế “xin – cho”. Đối với các dự án phù hợp nhu cầu thị trường, còn đang vướng mắc ở giai đoạn cuối thì cơ quan chức năng cần có cơ chế mạnh hơn, có giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ, đưa ra đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư để tạo ra sự kết nối giữa các nhà đầu tư có tiềm lực.
“Ngược lại, đối với những dự án quá khó khăn, chủ đầu tư đã kiệt quệ, nhà nước có thể đứng ra hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ đầu tư không còn khả năng thì mua lại rồi xử lý như dự án công sau đó mang ra đấu giá”, ông Đính đề xuất.
Xem thêm: Hải Dương xin chuyển đổi 5,8ha đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án