Các doanh nghiệp FDI trên sàn chứng khoán đang làm ăn ra sao?

Các doanh nghiệp FDI còn niêm yết đều kinh doanh có lãi trong khi những cái tên bị huỷ niêm yết do thua lỗ chỉ có duy nhất IFS đang cho thấy sự khởi sắc trở lại.
doanh-nghiep-fdi-1685374161.jpeg
 

Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu những doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài chi phối trên 51% như Sabeco (SAB), Nhựa Bình Minh (BMP), Imexpharm (IMP), Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG), Bao bì Biên Hoà (SVI),… Con số này còn có thể gia tăng khi các tập đoàn lớn nước ngoài vẫn “nhăm nhe” gom cổ phần của các doanh nghiệp sản xuất đầu ngành của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán lại thiếu vắng các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) lên sàn suốt 6 năm qua. Doanh nghiệp FDI gần nhất lên sàn chứng khoán là Siam Brothers Việt Nam (SBV) vào năm 2017. Thời điểm đó, thương vụ này đã chấm dứt “cơn khát” doanh nghiệp FDI lên sàn trong gần một thập kỷ.

Trong quá khứ, thị trường chứng khoán cũng từng có một làn sóng các doanh nghiệp FDI lên sàn giai đoạn 2003-08 sau khi Nghị định số 38/2003/NĐ-CP ra đời. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp FDI lên sàn những năm sau đó lại ngày càng thưa thớt, một số cái tên thậm chí còn bị huỷ niêm yết.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 6 doanh nghiệp FDI còn niêm yết và 3 cái tên đang giao dịch trên UpCOM. Ngoài SBV, những cái tên còn lại là Everpia (EVE), Mirae (KMR), Công nghiệp Tung Kuang (TKU), Gốm sứ Taicera (TCR), Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), Quốc tế Hoàng Gia (RIC), Interfood (IFS), Gạch men Chang Yih (CYC).

Các doanh nghiệp FDI đang niêm yết trên sàn chứng khoán như EVE, TKU, TYA, KMR, SBV đều kinh doanh có lãi hàng năm tuy nhiên tăng trưởng lợi nhuận không ổn định. Trong khi đó, TCR lại ghi nhận kết quả kinh doanh rất thất thường. Dù đã có lãi trở lại trong 2 năm gần nhất nhưng con số vẫn khá kiêm tốn so với những khoản lỗ trong quá khứ.

doanh-nghiep-fdi-1-1685374161.png
 

Nhiều cái tên bị huỷ niêm yết do thua lỗ

Trái ngược, RIC lại thua lỗ triền miên từ khi lên sàn năm 2008. Cổ phiếu này thậm chí còn bị huỷ niêm yết từ ngày 16/5/2022 do kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tục (2019, 2020 và 2021). RIC sau đó lên giao dịch trên UpCOM từ ngày 26/5/2022 và tiếp tục lỗ nặng trong năm 2022 vừa qua.

RIC được thành lập từ năm 1994 theo hình thức công ty liên doanh giữa Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hồng Gai (Việt Nam) và Ông Juan Cheng I (Đài Loan – Trung Quốc). Doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần từ năm 2005. Sau nhiều lần tăng vốn, RIC hiện có vốn điều lệ 704 tỷ đồng trong đó cổ đông ngoại Công ty TNHH Đầu tư Khải Việt - công ty con của Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Khải Tiệp (pháp nhân đăng ký tại Cayman) có nắm gần 52,5% vốn.

doanh-nghiep-fdi-2-1685374161.png
 

Tương tự, CYC cũng chìm trong thua lỗ dẫn đến bị huỷ niêm yết từ năm 2017 và hiện đang giao dịch trên UpCOM. Ngược lại, IFS lại đang cho thấy sự trở lại đầy mạnh mẽ. Chủ thương hiệu Trà bí đao Wonderfarm liên tiếp lãi lớn những năm gần đây và chính thức xoá hết lỗ luỹ kế từ cuối năm 2021. Tiếp tục kinh doanh có lãi trong năm 2022, IFS đã quyết định giành gần như toàn bộ lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ đông.

IFS tiền thân là Công ty Công nghiệp chế biến thực phẩm Quốc Tế - IFPI được thành lập ngày 16/11/1991. Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chủ đầu tư ban đầu là Công ty Trade Ocean Holdings Sdn. Bhd (Malaysia). IFS chuyển đổi sang công ty cổ phần từ năm 2005 sau đó cổ đông sáng lập cũng thoái toàn bộ vốn cho Kirin Holdings Singapore Ple Ltd. Hiện tại, IFS có vốn điều lệ hơn 870 tỷ đồng trong đó cổ đông ngoại đến từ Singapore nắm đến 95,66%.

Trong số các doanh nghiệp FDI từng bị huỷ niêm yết, Full Power (FPC) là cái tên duy nhất “một đi không trở lại”. Sau khi bị huỷ niêm yết tháng 8/2011 do thua lỗ 3 năm liên tiếp, doanh nghiệp này đã chính thức có văn bản thông báo dừng đăng ký giao dịch trên UpCOM vào giữa năm 2012 và không còn có dấu hiệu muốn trở lại sàn chứng khoán.

Tình trạng doanh nghiệp FDI trên sàn chứng khoán đã hiếm lại ngày càng ít có thể sẽ dần thay đổi trong tương lai khi thị trường chứng khoán đang phát triển vượt bậc. Một số doanh nghiệp “đình đám” đã đánh tiếng muốn niêm yết trên HoSE, điển hình là C.P Việt Nam – công ty con của Charoen Pokphand Foods (CPF) đến từ Thái Lan. Đây là một tín hiệu tích cực với thị trường chứng khoán, tuy nhiên thời điểm lên sàn vẫn chưa được ấn định và nhà đầu tư sẽ tiếp tục phải chờ đợi.