Thời gian gần đây, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng đổ thải, san lấp hàng trăm m2 lòng sông Chảy tại thôn Mỏ Đá, xã Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai) của một đơn vị khác thác cát sỏi đang gây ô nhiễm môi trường, quá trình vận chuyển khiến hạ tầng giao thông xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông…
Cũng theo phản ánh, bãi tập kết cát sỏi đã tồn tại từ lâu, nhưng chưa bị các cơ quan xử lý. Không những vậy, sự việc vi phạm ngày càng trở nên nghiêm trọng khi gần đây DN tiến hành đổ đất san lấp lòng sông nhằm mở rộng bến bãi, lắp đặt các thiết bị máy móc để thuận tiện cho hoạt động kinh doanh cát sỏi. Hành động này đã gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến đê điều, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang đường, mất an toàn giao thông gây bức xúc dư luận.
Trao đổi với PV, một người dân tại thôn Mỏ Đá cho biết: “Đơn vị hoạt động khai thác ở đây đã lâu. Diện tích đất mới bị đơn vị lấn chiếm đã được gia cố, mở rộng và lắp đặt các thiết bị để thuận tiền cho việc khai thác cát sỏi…
Ngoài ra, việc đổ cát san lấp đất sản xuất từ trước đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, việc tập kết, vận chuyển vẫn diễn ra công khai, vi phạm hành lang đường... những vi phạm còn tồn tại nhiều tháng qua. Thế nhưng, không hiểu vì sao bến bãi này vẫn vô tư hoạt động mà không gặp phải bất kỳ vướng mắc nào?”.
Hơn nữa, những mùa mưa lũ sắp tới ảnh hưởng đến dòng chảy của sông khiến người dân ngày càng lo lắng.
Theo tìm hiểu, ban đầu hoạt động san lấp mới chỉ diễn ra nhỏ lẻ. Tuy nhiên đến nay, hoạt động này càng trở nên rầm rộ với mức độ đổ đất san lấp ra sông cả trăm mét, khiến đoạn dòng chảy của sông qua đây bị thu hẹp lại.
Ghi nhận của PV trong những ngày cuối tháng 3/2023, thì phản ánh của người dân là có căn cứ, hàng trăm mét bờ sông đã bị vùi lấp bởi rất nhiều khối đất cát nhằm phục vụ trung chuyển khoáng sản được thực hiện tại vị trí mà người dân phản ánh.
Cách đó không xa là một bãi cát sỏi lớn được tập kết trên đất nông nghiệp không bảng biển thông báo, cũng như công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi, không thực hiện đúng theo Nghị định số: 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Để rộng đường dư luận, PV tạp chí Kinh tế Môi trường đã trao đổi với ông Hoàng Đình Kiểu, Chủ tịch UBND xã Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai) tìm hiểu thêm thông tin sự việc.
Qua trao đổi, ông Kiểu cho biết: “Chúng tôi chưa nắm được vụ việc này, sau khi nhận được thông tin sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra ngay, sau khi có thông tin chúng tôi sẽ cung cấp cho cơ quan báo chí”.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 12/4, PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường cũng liên hệ với ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bảo Yên.
Trao đổi nhanh với PV, ông Kiên cho hay: "Ngay ngày mai (13/4) chúng tôi sẽ tổ chức đoàn xuống kiểm tra".
Khi được hỏi về hoạt động khai thác, bến bãi tập kết cát sỏi có được cấp phép hay không... Vị trường phòng Tài Nguyên - Môi trường cho biết: "Sau khi có kết quả kiểm tra sẽ trả lời cơ quan báo chí sau".
PV cũng đã liên hệ với DN khai thác cát sỏi để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc.
Qua trao đổi, đại diện Công ty Long Vũ cho biết: Khu vực này trước đây là bãi bồi, phía Công ty cũng chỉ cải tạo lại, làm nền để tàu thuyền neo đậu và làm bãi chứa tạm thời, đến mùa nước lũ chúng tôi phải chuyển đi.
Sáng ngày 17/4, PV liên hệ lại với vị trưởng phòng TNMT huyện Bảo Yên để tìm hiểu thông tin về công tác kiểm tra, xử lý vụ việc Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh. Ông Kiên cho biết: Qua báo cáo sơ bộ của đoàn kiểm tra, khu vực trên chưa được cơ quan chức có thẩm quyền cấp phép, phòng TNMT cũng đang làm báo cáo chuyển lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên để xin ý kiến chỉ đạo...
Trước những sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai vào cuộc làm rõ việc san lấp này có đúng quy định của pháp luật.
Nghị định số 03/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 06/01/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. Trong đó có quy định về mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Theo đó, phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với một trong các hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông, suối, kênh, rạch, bờ biển làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục.
Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai như sau: Từ 15 - 25 triệu đồng đối với khai thác khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục; từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi khai thác khoáng sản gây sạt lở bờ sông, suối, kênh rạch, bờ biển.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.