Lãi suất tăng, NHNN tiếp tục bơm gần 57.000 tỷ VNĐ vào thị trường trong tuần qua

Theo báo cáo của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện bơm ròng trở lại gần 57.000 tỷ VNĐ vào thị trường.

Cụ thể, thông qua loại hình mua kỳ hạn, NHNN bơm 37.176 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%); trong khi 33.446 tỷ đồng bơm ra trước đó đã đáo hạn. Trong khi đó, NHNN phát hành mới 73.099 tỷ đồng tín phiếu trong khi 126.199 tỷ đồng tín phiếu phát hành trong tuần trước đáo hạn.

null
 

Lãi suất tăng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng gần 57.000 tỷ VNĐ vào thị trường trong tuần qua. (Ảnh minh họa)

Như vậy, thông qua cả 2 loại hình mua kỳ hạn và bán hẳn, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 56.830 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Lượng tín phiếu đang lưu hành vào cuối tuần giảm xuống còn 73.099 tỷ đồng.

Lãi suất huy động tăng "đỉnh"

Trên thị trường liên ngân hàng, từ ngày 20/10 đến 27/10/2022, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần có chung diễn biến tăng mạnh trở lại.

Theo biểu lãi suất mới công bố của SCB, lãi suất tiền gửi online các kỳ hạn từ 15 tháng đều tăng lên mức 9,3%/năm, cao nhất thị trường hiện nay. Lãi suất kỳ hạn 12 và 13 tháng lần lượt ở mức 9,15%/năm và 9,25%/năm...

Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất là 8,8%/năm. Cộng thêm coupon 0,5%/năm, người gửi tiền cũng được hưởng lãi suất lên đến 9,3%/năm nếu gửi 12 tháng.

Cùng ngày, Ngân hàng Bản Việt cũng tăng lãi suất tiền gửi từ 0,5 - 1,2%/năm tùy kỳ hạn gửi. Riêng các khoản gửi dài từ 18 tháng trở lên, lãi suất lên đến 8,9%/năm.

Cũng từ ngày 26/10, tất cả các khoản tiền gửi trên 300 triệu có kỳ hạn dưới 6 tháng theo hình thức gửi trực tuyến đều được VPBank áp dụng mức lãi suất kịch trần 6%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 1%/năm, mức lãi suất cao nhất lên tới 8,7%.

Lãi suất huy động cao nhất tại Ngân hàng Nam Á lên đến 8,4%/năm cho các kỳ hạn gửi từ 18 tháng trở lên, các kỳ hạn từ 12-17 tháng ở mức 8,2%/năm. Kỳ hạn 6 và 9 tháng ở mức 7,9%/năm...

Các ngân hàng khác như ACB, Techcombank, VIB cũng nâng lãi suất huy động theo xu hướng chung. Đặc biệt có tình trạng các chi nhánh ngân hàng chào lãi suất tiết kiệm cao hơn nhiều so với biểu lãi suất niêm yết, thậm chí lên đến 9,7%/năm, đặc biệt với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng do nhu cầu gửi tiền tập trung vào hai kỳ hạn này.

Đáng chú ý, tuần qua, NHNN đã thực hiện nâng lãi suất điều hành đối với các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất qua đêm ở mức 100 bps, đồng thời nâng trần lãi suất huy động của các kỳ hạn dưới 6 tháng và không kỳ hạn.

Các quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nhiều Ngân hàng Trung ương lớn đã thực hiện nâng lãi suất, đồng VND liên tục chịu áp lực mất giá và Fed vẫn còn kế hoạch nâng lãi suất mạnh tay trong cuộc họp cuối năm, có thể sẽ tiếp tục kéo theo đồng USD lên giá. Việc nâng lãi suất đồng VND cũng sẽ hỗ trợ giảm bớt sức ép bán USD để duy trì lượng dự trữ ngoại hối của NHNN.

Theo IMF, tới cuối tháng 8, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm về 92 tỷ USD, giảm 14% so với đầu năm và hiện đã thấp hơn so với mức cuối năm 2020.

Theo KTMT