Lãi suất cho vay "hạ nhiệt" nhưng vẫn cao
Sau Tết Nguyên đán 2023, nhiều ngân hàng đã tiến hành hạ lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn từ 0,1-1%/năm. Khách hàng cũng được yêu cầu nhiều điều kiện hơn để được cộng lãi suất hay hưởng mức lãi suất cao. Hiện nay, hầu hết ngân hàng đã hạ lãi suất tiết kiệm về sâu hơn mức 9,5% theo yêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Lãi suất cho vay cũng đã phần nào "hạ nhiệt" từ đầu năm 2023. Nhưng nhiều ngân hàng vẫn giới hạn đối tượng khách hàng vay.
Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 30/4/2023 sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay 0,5%/năm cho tất cả khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Trước đó, Vietcombank đã giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu từ ngày 1/11/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng tiến hành giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm áp dụng đến ngày 31/3/2023 đối với những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… có dư nợ hiện hữu hoặc vay mới. Riêng khách hàng cá nhân được giảm lãi suất 2%/năm, áp dụng với khách có mục đích mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp nông thôn.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) triển khai giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2,5%/năm đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tết. Riêng khách hàng cá nhân, ở một số sản phẩm cho vay trung và dài hạn để mua nhà, Nam A Bank sẽ giảm lãi suất từ 1,8-2,7%/năm; với khoản vay ngắn hạn ở kỳ đầu tiên, Ngân hàng giảm lãi suất 1,5%/năm.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng giảm lãi suất 1,5%/năm từ nay cho đến hết ngày 30/6/2023.
Một ngân hàng khác cũng vừa công bố chương trình giảm lãi suất là SeABank. Theo đó, ngoài chương trình hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, SeABank đã chủ động xây dựng các chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp lên tới 2%/năm
Trong tháng 12/2022 cũng có nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,5-3%/năm với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay được cho là vẫn cao, gây áp lực lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Các ngân hàng thường tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Mà lãi suất cơ sở của các ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao.
Đơn cử, Ngân hàng ACB vẫn áp dụng mức lãi suất cơ sở ở mức 9,5%/năm. Tại Sacombank, lãi suất cơ sở hiện dao động từ 6,5-10,1%/năm. Lãi suất cơ sở tại Eximbank hiện từ 8,8-10,1%/năm.
SeABank hiện vẫn duy trì mức lãi suất cơ sở 12%/năm đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ từ ngày 09/07/2020. Tại VPBank, lãi suất cơ sở thấp nhất đang là 10,6%/năm, áp dụng cho các khoản vay có thời hạn 1-3 tháng; cao nhất là 12,6%, áp dụng cho các khoản vay có thời hạn trên 15 năm.
SHB đang có lãi suất cơ sở từ 11,2-12,7%/năm. TPBank hiện áp dụng lãi suất cơ sở dao động từ 10,4-11,9%/năm. VIB đang có lãi suất cơ sở từ 9,3-11,5%/năm. VietBank cũng đang đưa ra mức lãi suất cơ sở từ 11-12%/năm.
Như vậy, nếu cộng thêm biên độ 3-4% thì mức lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao, từ 12-16%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn đang áp dụng theo quy định của NHNN.
Lãi vay khó giảm ngay
Dù nhiều ngân hàng đã công bố các chương trình giảm lãi suất song cơ quan quản lý cũng thừa nhận nỗ lực giảm lãi suất trong năm 2023 là một thách thức đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm nay.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm các chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định NHNN sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.
Trong khi đó, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú mới đây cho biết, năm 2023, một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, do đó, áp lực tăng lãi suất rất cao.
Dù NHNN đã nhiều lần kêu gọi, yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí đầu vào để có thể giảm lãi suất đầu ra. Nhưng trước áp lực chi phí đầu vào chưa giảm thì lãi vay khó giảm. Mục tiêu giảm lãi suất cho vay là rất quan trọng với nền kinh tế. Song để đạt được không phải là điều dễ dàng, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Hiện nay, chi phí vốn của các ngân hàng vẫn ở mức cao. Do đó, lãi suất đầu ra trên thị trường vẫn đang trong vùng 15-16%/năm, mức cao trong nhiều năm trở lại đây.
Một số chuyên gia nhận định khi chi phí đầu vào chưa giảm thì khó giảm lãi vay trong nửa đầu năm nay. Hơn nữa, trong năm 2023, khả năng tín dụng chỉ tăng khoảng 12%, thấp hơn mức 14,5% của năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân khiến lãi vay khó giảm.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt sau khi các nhà băng cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước, song lãi suất cho vay bao giờ cũng có độ trễ nhất định.
"Thông thường lãi suất huy động sẽ được giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Thời điểm hiện tại, lãi suất đầu vào đã bắt đầu có những dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng cao đến những tháng cuối năm lãi suất cho vay sẽ bắt đầu có sự hiệu chỉnh", ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính FIDT, dự báo về thời gian hạ lãi suất cho vay.
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, việc giảm lãi suất cho vay có thể được diễn ra sớm hơn. "Dự kiến trong quý I/2023, phổ lãi suất huy động sẽ có thể về mức 6,5-7% đối với các ngân hàng tốt và 8-9% đối với các ngân hàng vừa và nhỏ. Có thể, hết quý II/2023 tình hình lãi suất huy động sẽ trở lại bình thường dao động trong khoảng ±7%/năm và lãi suất cho vay có thể quanh mốc 10-11%", ông Hiển nhận định.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn dư địa tăng trong năm 2023, nhưng sẽ dần hạ nhiệt nửa cuối năm. Theo VCBS, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1-1,5%.
Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, khối doanh nghiệp bất động sản đang khá lao đao. Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022 tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Đầu tư tài chính