Theo Quyết định 2081/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11 ngày 15/5/2013, Thông tư số 32 ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016 ngày 29/7/2016 của NHNN là 5%/năm.
Trước đó, các ngân hàng thương mại triển khai cho vay từ năm 2013 với lãi suất 6%/năm, đến năm 2019 và 2020 giảm xuống còn 5%/năm và duy trì ở mức 4,8%/năm từ năm 2021 đến nay.
Quyết định này sẽ tác động đến nhiều đối tượng vay gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 7 của Bộ Xây dựng; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất này còn ảnh hưởng đến cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Nhóm khác bị tác động là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở.
Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế cũng bị tác động.
Bên cạnh đó, người lao động thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị; sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 188 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cũng bị ảnh hưởng.
Ngân hàng đã cho vay 9.994 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội
Về nguồn lực cho nhà ở xã hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết có hai nguồn lực. Nguồn đầu tiên từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỷ đồng.
Nguồn thứ hai được xác định theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với 15 nghìn tỷ đồng.
Từ hai nguồn này, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 9.994 tỷ đồng, cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Trong số dư nợ trên, có 3.717 tỷ đồng thuộc chương trình phục hồi, với số lượng 9.527 khách hàng.
Cùng với đó là sử dụng nguồn của các ngân hàng thương mại cho vay, nhưng có cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Phó Thống đốc cho biết, phần này các bộ, ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện chưa có tiền và chưa hoàn thiện cơ chế, nhưng các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, có nguồn ngân hàng thương mại cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.
"Đây cũng là một trong những chủ trương nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2022 và năm 2023. Ngân hàng Nhà nước vẫn xác định đây là đối tượng khuyến khích và đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung cho vay", ông Tú nói.
Theo DNVN