'Kinh tế ở đáy tăng trưởng', 'nhà đất không thể giảm giá thêm': Xuống tiền gom tài sản

admin
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở đáy của tăng trưởng và đỉnh điểm của khó khăn. Bên cạnh đó, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Đây là những phát ngôn đáng chú ý của các chính khách và chuyên gia trong tuần qua.

"Nền kinh tế đang ở đáy của tăng trưởng"

Bình luận về thực trạng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang ở đáy của tăng trưởng và đỉnh điểm của khó khăn. Trong khi đó, đánh giá nói chung của các cơ quan nhà nước chưa sát với tình hình thực tế.

"Tôi cho rằng dường như chúng ta vui mừng trước những ánh sáng như con đom đóm rồi sẽ mất đi và hài lòng với những thứ đó nên không tìm được giải pháp", ông Cung nói.

Theo đó, ông cho rằng cầu nhập khẩu giảm mạnh làm thu hẹp sản xuất trong nước, nhất là các ngành, sản phẩm định hướng xuất khẩu; xuất khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn đang xu hướng giảm. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được cải thiện, lãi suất cho vay không tăng nhưng ở mức cao và giảm rất chậm.

"Một điều đáng tiếc là hiện nay vẫn thiếu các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí, giải quyết khó khăn và tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Sinh kế của một bộ phận dân cư chuyển từ chính thức sang phi chính thức", ông Cung cho hay.

"Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay"

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ...

“Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn", Phó thống đốc nói.

Mặc dù các TCTD đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay, song tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các TCTD rất thấp, cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.

"Bất động sản khó giảm thêm, ai có lực nên xuống tiền ngay"

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, quý III đầu quý IV năm nay, thị trường bất động sản sẽ phục hồi.

Ông Lực phân tích, đến thời điểm đó, độ ngấm chính sách rất rõ, nhất là liên quan đến giảm lãi suất, các chương trình hỗ trợ, các chính sách tài khóa tiền tệ. Cùng với đó, những vụ việc đâu đó cũng đã được đàm phán, giải quyết. Hơn nữa, cuối năm nay, tất cả những vấn đề pháp lý, luật pháp có liên quan đến bất động sản sẽ được Quốc hội thông qua.

Và hơn tất cả, cuối cùng là đến thời điểm quý IV, nhận diện đà phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ rõ nét. Vì thế, rất nhiều chuyên giá đồng tình với nhận định của một công ty đầu tư lớn nói rằng là thị trường bất động đã qua thời kỳ khó khăn nhất.

Vì thế, đây là thời điểm tốt để xuống tiền mua bất động sản. Bởi, giá bất động sản đã giảm hết cỡ, khó giảm tiếp, nếu giảm cũng chỉ 3-5% coi như giảm khuyến mãi. Cung còn thiếu và nhu cầu phân khúc nhà ở vẫn còn cao. Những người đã đầu tư nhà ở, đất nền, kể cả biệt thự… là những người có tiền và bây giờ họ chờ giá lên mới bán, trừ một số người dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều bây giờ bí bách.

"Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% là vô cùng khó khăn"

Theo TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Năm 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhưng vẫn là một "ngôi sao sáng" thì sang năm 2021, tăng trưởng kinh tế như một "ngôi sao đang rơi" trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi mạnh.

Năm 2022, trái ngược với nền kinh tế thế giới suy giảm, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất tốt. Tuy nhiên, con số 8% che đậy sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam từ giữa quý III/2022. Nên nếu nói đúng, từ quý III/2022 đến nay, thậm chí là tới 2024, kinh tế Việt Nam có thể khá đồng điệu với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.

TS. Võ Trí Thành cho hay, những dự báo gần đây nhất, cùng với chữ "suy giảm" thì góc nhìn giai đoạn tháng 6 – 7 này đối với kinh tế trong nước và thế giới, mức nhích lên của năm 2024 đều là cái nhìn "ít lạc quan". Đặc biệt với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong phần lớn các dự báo 1 tháng gần đây đều trong khoảng dưới 5% - 5,5%. Vậy nên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6% là vô cùng khó khăn.

Bỏ phương pháp thặng dư định gía đất có thể kéo lùi sự phát triển

Chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh "tôi chưa rõ lấy cơ sở nào để dự thảo bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất, bởi thực tế, trong tất cả các giáo trình, các cuốn sách giáo khoa hướng dẫn định giá tài sản đều có phương pháp thặng dư. Phương pháp này được thế giới tổng kết ra không phải ngày một ngày hai mà dựa trên một quá trình đưa ra áp dụng trong thực tiễn và hoàn thiện với lịch sử cả trăm năm.

Với điều kiện cơ sở về khoa học và thực tiễn, phương pháp này hiện vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Phương pháp thặng dư, với ý nghĩa giúp xác định giá đất cho mục đích sử dụng trong tương lai, đây là phương pháp vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế.

Ông Ánh cho rằng, với Việt Nam, đây càng là vấn đề quan trọng khi chúng ta đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu về đất lớn. Vậy nên, sẽ là vô lí và khó hiểu khi Việt Nam chối bỏ kinh nghiệm thế giới, bỏ đi phương pháp có cơ sở khoa học, thực tiễn và được áp dụng rộng rãi như phương pháp thặng dư.

"Một cách tổng thể, rõ ràng, bỏ phương pháp thặng dư là đi ngược lại sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung. Đó sẽ là sai lầm đáng tiếc có thể kéo lùi sự phát triển trong điều kiện nước ta đang chớp cơ hội để phục hồi và phát triển mạnh mẽ", ông nhấn mạnh.

{