Sự sụp đổ chóng vánh của nhiều ngân hàng
Ngành ngân hàng Mỹ vẫn quay cuồng trong rắc rối từ đầu tháng 3, với 3 vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank (SB) và First Republic Bank (FRB). Dù các nhà lãnh đạo ngân hàng và cơ quan quản lý đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua nhưng điều này dường như không có hiệu quả.
Ngân hàng khu vực PacWest Bancorp hiện trở thành tâm điểm mới nhất của cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ. Đầu tháng 5, nhà băng này xác nhận đang cân nhắc các “lựa chọn chiến lược”. Điều này đồng nghĩa với thông điệp “xin hãy giúp đỡ chúng tôi” theo ngôn ngữ của giới đầu tư Phố Wall.
Trong tuyên bố chính thức của PacWest, ngân hàng cho biết gần đây, một số đối tác và nhà đầu tư tiềm năng đã tiếp cận ngân hàng và các cuộc thảo luận đang diễn ra. PacWest sẽ tiếp tục đánh giá tất cả các lựa chọn để tối ưu hóa lợi ích của cổ đông.
Trước đó, FRB cũng sử dụng cụm từ “lựa chọn chiến lược”. Nhà băng này sau đó đã chính thức phá sản vào hôm 1/5 và được JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ, mua lại, dù trước đó đã nhận được khoản giải cứu trị giá 30 tỷ USD từ một nhóm các ngân hàng ở Phố Wall dưới dạng tiền gửi.
Tính đến ngày 31/3, FRB có tổng tài sản 233 tỷ USD. Đây được xem là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ gần đây nhất với quy mô tương tự là ngân hàng Washington Mutual vào năm 2008, với 307 tỷ USD tài sản và 188 tỷ USD tiền gửi.
Trước đó, sự sụp đổ của SVB vào ngày 10/3 sau khi chịu quá nhiều rủi ro lãi suất đã gây ra làn sóng chấn động khắp lĩnh vực ngân hàng. SVB là nhà cho vay hàng đầu trong giới khởi nghiệp công nghệ tại Thung lũng Silicon, xếp thứ 16 trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Theo Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), tính đến cuối tháng 12/2022, SVB có khoảng 209 tỷ USD tài sản và 175,4 tỷ USD tiền gửi. SVB tuyên bố phá sản sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền khiến ngân hàng này đứt thanh khoản. Nối gót SVB, Signature Bank cũng đổ vỡ không lâu sau đó do niềm tin của khách hàng đã bị hủy hoại nghiêm trọng dẫn tới làn sóng rút tiền quá mạnh.
Hiệu ứng domino chưa dừng lại?
Ông Jamie Dimon, CEO của ngân hàng JPMorgan Chase, cho hay: Một ngân hàng sụp đổ hay thất bại không phải là vấn đề. Chúng ta chỉ sợ hiệu ứng domino. Đó cũng là điều mà các nhà đầu tư lo ngại trước cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra tại Mỹ.
Sau sự sụp đổ của loạt ngân hàng tên tuổi, một nghiên cứu về sự mong manh của hệ thống ngân hàng Mỹ cho thấy 186 ngân hàng có nguy cơ phá sản ngay cả khi chỉ một nửa số người gửi tiền không được bảo hiểm tiền gửi quyết định rút tiền (những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ mất một phần khoản tiền gửi của họ nếu ngân hàng sụp đổ và vì vậy họ dễ có động lực để rút tiền).
Cũng giống như SVB và SB, vụ đổ vỡ của First Republic một phần bắt nguồn từ chiến dịch tăng lãi suất dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời kỳ đại dịch.
Lãi suất tăng làm xói mòn giá trị tài sản các ngân hàng đang nắm, như trái phiếu chính phủ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp. Điều này dẫn tới việc các ngân hàng gánh khoản thua lỗ hàng tỷ USD trên giấy tờ.
Thông thường, các ngân hàng trả lãi suất cố định và trái phiếu của họ sẽ trở nên hấp dẫn khi lãi suất liên bang thấp, thúc đẩy nhu cầu cũng như giá của trái phiếu.
Ở chiều ngược lại, khi lãi suất của Fed tăng cao, các nhà đầu tư sẽ không còn ưa chuộng mức lãi suất cố định của các ngân hàng nữa. Do đó, các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để cạnh tranh thu hút người gửi tiền với các ngân hàng khác. Cuộc đua lãi suất này đặt ra sức ép lớn đối với các ngân hàng khu vực và tầm trung.
Tờ Telegraph dẫn lời Giáo sư Amit Seru, chuyên gia ngân hàng tại Đại học Stanford (Mỹ), cho hay, khoảng một nửa trong số 4.800 ngân hàng Mỹ đang mất khả năng thanh toán.
Bất chấp những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng, Fed ngày 3/5 đã quyết định tăng lãi suất cho vay thêm 0,2% trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022. Quyết định này của Fed đồng thời nâng lãi suất tham chiếu của ngân hàng lên mức 5% - 5,25% lần đầu kể từ năm 2007.
Bà Heather Boushey, thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho rằng việc Fed tăng lãi suất tiếp tục mang tới rủi ro cho ngành ngân hàng. “Nghị viện Mỹ có thể dễ dàng loại bỏ rủi ro vỡ nợ bằng cách tăng trần nợ công, trong khi vấn đề lãi suất và tác động của lãi suất đối với hệ thống ngân hàng là một câu hỏi phức tạp hơn nhiều mà không một thực thể đơn lẻ nào có thể giải quyết”, bà Boushey nhấn mạnh.
Chất xúc tác gây suy thoái kinh tế
Sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng hiện là một trong những vấn đề đau đầu đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden khi đang cố gắng lèo lái nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái trong bối cảnh Fed đang tích cực chống lạm phát.
Kể từ tháng 11/2022, Fed đã dự đoán mức tăng trưởng thấp và nền kinh tế Mỹ suy yếu trong năm 2023. Sau khi cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra, Fed đã tính đến “tác động kinh tế tiềm ẩn của những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng”, nâng dự báo đó thành một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay và cho rằng “cơ hội hạ cánh mềm dường như sẽ nhanh chóng đóng lại”.
Theo một báo cáo mới nhất của Fed, tình trạng hỗn loạn của những ngân hàng cỡ trung nước này sẽ khiến các nhà băng thắt chặt tiêu chuẩn cho vay đối với doanh nghiệp và hộ gia đình. Đó là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Cùng chung quan điểm với Fed, những biến động nhanh và mạnh trên thị trường sau các vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ khiến nhiều chiến lược gia dự báo rằng suy thoái kinh tế sẽ tới sớm. Các nhà kinh tế cũng đang hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ do có thể chứng kiến sự sụt giảm trong hoạt động cho vay của các ngân hàng.
Theo các chuyên gia, ngân hàng có vị trí quan trọng trong huy động vốn của nền kinh tế. Khi khủng hoảng ngân hàng xảy ra, nguy cơ trước mắt là suy giảm niềm tin của các chủ thể kinh tế vào hệ thống tài chính và sự phá sản hàng loạt của nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính.
Theo đó, thị trường chứng khoán bị tác động trực tiếp, giá tài sản chứng khoán sụt giảm mạnh. Tiếp đến là giảm cung tín dụng, đầu tư và tiêu dùng, từ đó dẫn đến suy thoái kinh tế với những tác động tiêu cực lên thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế.