Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi Ngân sách Nhà nước hơn 8.300 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi Ngân sách Nhà nước 8.344 tỷ đồng (tăng thu 2.410 tỷ đồng, giảm chi 5.934 tỷ đồng), kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng.

Tại Hội nghị giao ban sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Kiểm toán Nhà nước tổ chức, đơn vị này đã tiến hành kiểm toán đối với 43 dự thảo, 16 báo cáo kiểm toán đã phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2025.

Tổng hợp sơ bộ kết quả, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 8.344 tỷ đồng (tăng thu 2.410 tỷ đồng, giảm chi 5.934 tỷ đồng), kiến nghị khác 9.288 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hành Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 đối với kết quả kiểm toán năm 2023 cho niên độ Ngân sách Nhà nước năm 2022 và kiến nghị năm trước chưa thực hiện; đồng thời công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 (cho niên độ ngân sách năm 2023), tính đến ngày 15/6/2024, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 3.533/31.538 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,2%.

kiem-toan-nha-nuoc-1752371818.pngQuang cảnh Hội nghị. Ảnh: Kiểm toán Nhà nước
 

Xác định 6 tháng cuối năm rất nhiều việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu toàn ngành rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch công tác để đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới và các nhiệm vụ phát sinh.

Đồng thời, khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, đặc biệt, tập trung thể chế hóa 4 nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Kiểm toán Nhà nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý nâng cao chất lượng kiểm toán, tập trung kiểm toán chuyên đề, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Ông cũng đề nghị toàn ngành khẩn trương ban hành các hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán.

Các đơn vị cần bám sát, đôn đốc, theo dõi việc quyết toán, bàn giao, đưa vào sử dụng các công trình, dự án, phát huy tối đa hiệu quả; đảm bảo chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức, người lao động Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt là cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động…