Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Sáng ngày 8/7, tại cuộc họp thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN cho biết, dựa trên mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát năm 2025 do Quốc hội, Chính phủ giao, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh linh hoạt theo thực tế. Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm, với nguyên tắc công khai, minh bạch.

ngan-hang-nha-nuoc-tien-te-1752023790.webpÔng Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tiền phong
 

Theo ông Hà, tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 17 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm ngoái, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh.

Nếu tính theo số tuyệt đối, chỉ sau nửa năm, đã có gần 1,55 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng được bơm ra nền kinh tế, tương đương gần 260.000 tỷ đồng/tháng. Nếu so với cùng kỳ năm 2024, con số này đã tăng 19,32%, cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.

Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - NHNN đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2025 gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, với mục tiêu lạm phát năm nay khoảng 4,5%, cao hơn năm 2024, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để thúc đẩy tín dụng mà không gây sức ép lớn lên mặt bằng giá.

Ông Quang chia sẻ: "Vốn là mạch máu của nền kinh tế nên để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng hai chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là một động lực không thể thiếu".

ngan-hang-nha-nuoc-tien-te-1-1752023796.pngNgân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Ảnh minh họa
 

Tuy nhiên, ông Quang cũng nhấn mạnh việc điều hành tín dụng sẽ luôn đi kèm với kiểm soát chất lượng tín dụng, giám sát nợ xấu và đảm bảo an toàn hệ thống. Việc tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo lộ trình đến 2025 cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tiếp tục thông tin tại cuộc họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều rủi ro, bất ổn. Đơn cử ngay đầu giờ sáng 8/7 (theo giờ Việt Nam), Mỹ công bố mức thuế từ 25 - 40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ ngày 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa. Bên cạnh đó, lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại.

"Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên", ông Hà nhấn mạnh.

Trước bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Phó Thống đốc NHNN cũng nêu 5 nhóm giải pháp “tăng tốc” trong nửa cuối năm 2025, gồm: Tiết giảm chi phí vận hành, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tăng sức cạnh tranh. Theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại hối và kiểm soát lạm phát;

Tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, công nghệ, nông nghiệp và tránh rủi ro từ các lĩnh vực “nóng”. Tiếp tục tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phòng ngừa và hạn chế nợ xấu mới. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai Nghị định liên quan đến cơ chế thử nghiệm tài chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh hiện nay không chỉ là hành động mang tính kỹ thuật, mà còn là thông điệp chính sách rõ ràng về sự kiên định trong điều hành linh hoạt, ổn định, đồng bộ và hiệu quả.

Với loạt giải pháp đồng bộ từ điều hành tiền tệ, tín dụng, tỷ giá đến chuyển đổi số, hệ thống ngân hàng đang thể hiện vai trò trụ cột trong việc dẫn dắt nền kinh tế vượt qua thách thức và bứt phá trong giai đoạn tới.