Khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI được niêm yết trên sàn chứng khoán

admin
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc kiến nghị cần khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngày 28/2, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, năm 2023 kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, khó khăn phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thương mại đầu tư quốc tế suy giảm, lạm phát leo ở mức cao, nhiều đồng tiền mất giá, nợ công toàn cầu gia tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đã đạt được những cái kết quả rất quan trọng.

Cụ thể, kinh tế vỹ mô được kiểm soát ổn định, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Năm 2023 GDP Việt Nam tăng trưởng 5,05%, mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên mức 430 tỷ USD.

Đặc biệt, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đánh giá cao các kết quả triển vọng của kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings đã nâng hạn mức tín nhiệm của Việt Nam, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100.

Khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI được niêm yết trên sàn chứng khoán - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: VGP.

Cùng với đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 tăng 6,2% so với năm 2022. Dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng ở mức kỷ lục, đạt 36,6 tỷ USD và tăng 32% so với năm trước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn thách thức hơn nữa so với năm 2023. Việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là một trong những trọng tâm năm 2024. Trong đó, việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán được xác định là một trong những kênh quan trọng.

Để thị trường chứng khoán phát triển, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc kiến nghị khẩn trương hoàn thành nâng hạng thị trường chứng Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển thị trường chứng khoán năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12.

Đặc biệt đổi mới, cải cách thể chế và ban hành các quy phạm để làm cơ sở phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán ổn định, lành mạnh, dần đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế.

Cần phải chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của thị trường chứng khoán. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, thị trường chứng khoán chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp. Luật Chứng khoán ban hành rồi nhưng cho đến nay các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hầu như chưa được thành lập. Theo bà Ngọc đã đến lúc cần phải đánh giá, rà soát vì sao Luật Chứng khoán đã quy định như vậy nhưng các công ty, các nhà đầu tư không mặn mà trong việc thành lập nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty đầu tư chuyên nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, cần chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững. Nội dung này gần đây các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.

Song song với đó là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và gắn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2023, số lượng doanh nghiệp, tổng công ty được cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán hầu như không có. “Đây là nội dung cần tập trung trong năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Một điểm đáng chú ý khác được được bà Ngọc kiến nghị là khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, cần phải xem xét để phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các doanh nghiệp không niêm yết. Ra soát kiến nghị cho mở cửa sớm một số ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác cảnh báo sớm. Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính cần tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để đảm bảo kết nối, đảm bảo hoạt động trên môi trường điện tử và đặc biệt là kết nối với cái hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và các hệ thống khác, ví dụ như hệ thống dữ liệu doanh nghiệp theo Đề án 06.

{