Tối ngày 26/12, tại Khu du dịch sinh thái Tràng An (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ khai mạc “Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023 với chủ đề "Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa".
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước đã biểu dương, đánh giá cao về việc tỉnh Ninh Bình cùng các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động gìn giữ, tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa - tài sản quý báu và niềm tự hào của dân tộc ta.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân mong rằng, Festival Ninh Bình - Tràng An tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, của nhân dân và du khách ở trong và ngoài nước, trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc của Ninh Bình, mang tầm quốc gia và quốc tế.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng miền, các dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đó là: phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa trở thành sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước phát biểu tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ II. Ảnh: báo Lao động
Tiếp nối thành công của Festival Tràng An kết nối di sản-Ninh Bình năm 2022, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, các vùng miền trong nước, quốc tế, tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival Ninh Bình-Tràng An năm 2023. Festival sẽ diễn ra từ ngày 26-31/12, tại huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình.
Lựa chọn Chủ đề năm 2023 là "Sắc màu di sản-Hội tụ và lan tỏa", Ninh Bình hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu lễ hội riêng, có tính chất thường niên, thu hút, mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các quốc gia, dân tộc, góp phần thúc đẩy hòa bình và hợp tác phát triển.
Chương trình khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II được tổ chức hoành tráng, tại sân khấu nước với quy mô lên đến 4.000m2, sức chứa khoảng 1.500 chỗ ngồi. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của gần 700 diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng.
Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II năm 2023 là chương trình khai mạc được dàn dựng công phu như một vở diễn thực cảnh đầu tiên được tổ chức trong không gian huyền ảo của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Nằm ở vị trí chiến lược, là cửa ngõ phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, điểm kết nối, giao thoa của 3 vùng kinh tế và văn hóa, đó là: đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và vùng núi phía Bắc, tỉnh Ninh Bình tự hào có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được bồi tụ bởi nhiều lớp trầm tích văn hóa. Cùng với những di tích lịch sử ghi dấu sự xuất hiện của người tiền sử cách đây hơn 3 vạn năm, Hoa Lư-Ninh Bình vào thế kỷ thứ X đã được chọn làm kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc với 3 triều đại: Đinh-Tiền Lê-Lý. Cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng có được in dấu trên gần 2.000 di sản văn hóa vật thể, gần 400 di sản văn hóa phi vật thể.
Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á, tạo cơ hội và động lực mới để Ninh Bình thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hội nhập vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới.
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, bằng ý chí và khát vọng phát triển mạnh mẽ, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vươn lên thành địa phương có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12 cả nước, từ năm 2022 trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương; trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại của đất nước; trung tâm du lịch tầm quốc gia và quốc tế; phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật…
Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được và tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo, Ninh Bình thực hiện nhất quán, kiên định phương thức phát triển "Xanh, Bền vững và Hài hòa", dựa trên cơ sở phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An-Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các tiêu chí đặc thù của địa phương có di sản văn hóa vật thể sở hữu danh hiệu UNESCO, lấy tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo làm giá trị cốt lõi.