Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng thu từ khách du lịch 11 tháng năm 2023 ước đạt 628.300 tỷ đồng. Lượng khách du lịch nội địa tháng 11 ước đạt 4,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách lưu trú. Lượng khách nội địa trong 11 tháng đạt 103,2 triệu lượt. Khách nội địa đông đúc nhất là từ tháng 5 - 7, trong đó cao nhất là vào tháng 6 với 13,5 triệu lượt.
Trong 11 tháng năm 2023, cả nước đón 11,2 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,8 lần so với con số ghi nhận cùng kỳ năm ngoái và bằng 68,9% so với con số của năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó, lượng khách di chuyển bằng đường hàng không chiếm 87,3%. Riêng tháng 11 vừa qua, du lịch Việt Nam đón trên 1,23 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11% so với tháng trước. Đây cũng là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất từ đầu năm nay. Con số 11,2 triệu lượt khách quốc tế đã suýt soát mục tiêu 12 - 13 triệu lượt khách mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặt kỳ vọng.
Việc Chính phủ kéo dài thời gian miễn thị thực Visa với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày (theo Nghị quyết số 128/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2023) được xem là một trong những động lực góp phần phát triển thị trường khách quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty Lữ hành Vietluxtour chia sẻ: "Lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay có sự tăng trưởng tốt. Tính đến cuối quý 3, chúng tôi khôi phục khoảng 70% thị phần khách mục tiêu giai đoạn trước 2020. Tổng kết ba quý, thị trường khách quốc tế của Vietluxtour tăng khoảng 400% về lượng khách và doanh thu so với năm 2022”.
Liên quan đến kết quả trên, theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học KHXHNV Hà Nội cho biết, hết năm 2023 Việt Nam có thể đón 13-13,5 triệu lượt khách. Năm 2024, con số có thể lên đến 14-15 triệu lượt nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh.
Trước đó, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Quốc Trí cũng bày tỏ mong muốn toàn ngành đặt ra mục tiêu "phục hồi hoàn toàn du lịch vào năm 2024". "Chúng ta cố gắng năm sau đạt được mọi chỉ tiêu như 2019, năm đỉnh cao của du lịch Việt Nam", ông Trí nói.
Năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt 32,5 tỷ USD (tăng 18,5%). 2019 cũng là năm Việt Nam tăng trưởng khách quốc tế cao hơn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4,6%), theo số liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).
Để đạt được mục tiêu phục hồi về mức trước dịch hoặc cao hơn trong năm 2024, CEO Lux Group Phạm Hà cho rằng, Việt Nam cần định vị thương hiệu của du lịch rõ ràng hơn nữa đối với thị trường khách quốc tế. Ngoài các biện pháp như quảng bá, xúc tiến du lịch, Việt Nam cần "nói tiếng nói của từng thị trường khách du lịch".
Ngoài tập trung vào các thị trường khách truyền thống như Trung Quốc, Việt Nam cần hướng tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa như Bắc Âu để tăng lượng khách ghé thăm. Khách Bắc Âu thường đi nghỉ dài, lên tới 30 ngày và chi tiêu vì thế cũng nhiều hơn. Khách nhà giàu Ấn Độ, Trung Đông, Australia, New Zealand cũng là một gợi ý. Ngoài việc đơn giản hóa thủ tục visa, Việt Nam cần mở thêm các đường bay thẳng đến các nước này và cung cấp các sản phẩm du lịch họ yêu thích để khách không chỉ đến nhiều mà còn tăng tỷ lệ quay lại.
Dưới đây là ba xu hướng du lịch Việt trong năm 2024:
Xu hướng du lịch xanh, kết hợp tìm hiểu văn hóa hay sự kiện âm nhạc được đánh giá sẽ giúp ngành du lịch Việt phát triển.
Du lịch gắn với sự kiện, đêm nhạc là một trong những xu hướng nổi bật trong thời gian qua. Concert của nhóm nhạc Blackpink tại Hà Nội "là một ví dụ điển hình". Sự kiện thu hút lượng đặt phòng tăng gấp đôi trên ứng dụng Traveloka so với một tuần trước khi sự kiện diễn ra. Hai đêm diễn của Blackpink không chỉ có du khách từ các tỉnh, thành khác ở Việt Nam mà còn thu hút khách từ các nước châu Á.
Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, trong hai đêm concert của BlackPink, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội khoảng hơn 170.000 lượt, doanh thu du lịch đạt hơn 600 tỷ đồng. Lượng đặt vé máy bay đến Hà Nội thời điểm đó tăng gấp 10 lần.
"Du lịch sự kiện đem lại cho ngành du lịch những cơ hội lớn, thu hút phần lớn nhóm du khách trẻ", ông Caesar nói.
Xu hướng du lịch bền vững cũng đang trên đà tăng trưởng, đây được xem là xu hướng du lịch tích cực. Dữ liệu của Traveloka cho thấy sự thay đổi đáng chú ý trong sở thích của khách du lịch. "Những du khách trẻ có xu hướng giảm thiểu tác động của họ lên môi trường, tìm kiếm những trải nghiệm, điểm lưu trú xanh trong chuyến đi", ông Caesar nhận định.
Các điểm đến như Ninh Bình, Hội An có lượng tìm kiếm và đặt dịch vụ tăng đáng kể. Các điểm này được ưa chuộng vì vẻ đẹp thiên nhiên, di sản văn hóa được bảo tồn, chỗ ở thân thiện với môi trường, trải nghiệm gắn kết với người dân bản xứ. Nhu cầu lưu trú của du khách đến Ninh Bình trong nửa đầu năm 2023 đã tăng đột biến hơn 80% so với năm 2022.
Du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa cũng đang là xu hướng trọng tâm ở Việt Nam. Bộ Văn hóa thể thao Việt Nam đã khởi xướng đề án xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia về văn hóa. Mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phát triển du lịch văn hóa chiếm 10-15% trong 8 tỷ USD tổng thu du lịch và phấn đấu đến năm 2030, chiếm 15-20% trong 40 tỷ USD tổng thu du lịch.
Theo phân tích dữ liệu người dùng trên Traveloka, các điểm đến gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang và Huế được nhiều du khách tìm đến khám phá văn hóa địa phương.