HSBC: Việt Nam cần thận trọng với lạm phát và vấn đề “xói mòn” lãi suất thực

Các chuyên gia từ HSBC kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý 4/2023, NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 3/2023, các biện pháp hỗ trợ tài khóa vẫn được tiếp tục, song dư địa là không nhiều.
ky-vong-lai-suat-1688658291.jpeg
 

Theo báo cáo “Vietnam At A Glance tháng 7/2023: Mùa hè kém sôi động” vừa được HSBC công bố, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, chính phủ Việt Nam đã tăng cường đưa ra các biện pháp kích cầu kinh tế.

Về mặt tiền tệ, lạm phát hạ nhiệt tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng trung ương nới lỏng tiền tệ. Trên cơ sở đó, vừa qua, ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái bất ngờ, khi trong vòng chưa đầy ba tháng của quý II/2023 đã cắt giảm lãi suất đến 3 lần, mỗi lần giảm lãi suất đến 50 điểm cơ bản.

“Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong Quý 3/2023, đưa lãi suất điều hành về 4,0%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của NHNN trong năm 2022, song sẽ mang lại mức độ hỗ trợ tiền tệ tương ứng trong thời kỳ đại dịch”, các chuyên gia từ HSBC dự báo.

Báo cáo cho biết thêm dù 6 tháng đầu năm lạm phát đã được khống chế rất tốt, nhưng rủi ro giá cả tăng lên vẫn tồn tại, chủ yếu do các áp lực từ phía giá thực phẩm. Nếu lạm phát quay đầu tăng lên, Việt Nam phải đối mặt với rủi ro “xói mòn” lãi suất thực.

Về mặt tài khóa, nhóm phân tích cho rằng các biện pháp bao gồm giảm 2% thuế VAT cho một số lĩnh vực, hoãn nộp thuế đối với các loại thuế khác nhau trong 3-6 tháng, cũng như cắt giảm thuế môi trường đối với xăng và dầu diesel, đang tương đương với tương đương với các chính sách hỗ trợ trong đại dịch. Tuy nhiên, một gói tài khóa toàn diện có thể sẽ khó được triển khai bởi các giới hạn về nguồn thu.

ky-vong-giam-lai-1-1688658292.png
 

Ngoài ra, báo cáo cũng đã có nhiều đánh giá, dự báo về các hoạt động thương mại, dịch vụ và kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.

Theo đó, sự suy yếu của nền kinh tế Hoa Kỳ và số lượng đơn đặt hàng suy giảm đã tác động không nhỏ đến các ngành sản xuất và xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Trong quý 3/2023, các hoạt động thương mại có thể vẫn chưa khởi sắc, vì các chỉ số PMI của các quốc gia hàng đầu vẫn chưa cho thấy sự tích cực trong tương lai gần. Tuy nhiên, từ quý IV/2023, tình hình sẽ dần ổn định và từng bước cải thiện.

Ở chiều ngược lại, sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch vẫn đang đi đúng hướng. Kết quả này đến không ít từ việc nỗ lực tăng tần suất chuyến bay và đặc biệt là việc nới lỏng thị thực du lịch. Những giải pháp này sẽ tiếp tục thúc đúc đẩy sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Có khả năng ngành kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ dễ dàng vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách trong năm nay. Nhìn chung, hoạt động dịch vụ vẫn tiếp tục là một bệ đỡ vững chắc cho tăng trưởng, khi các hoạt động thương mại vẫn còn khó khăn.

Về tổng thể nền kinh tế, báo cáo cho rằng tăng trưởng GDP quý 2 ở mức 4,1% đã vượt qua mức kỳ vọng của thị trường (3,8%). Tuy nhiên, điều đó không thể làm lu mờ những thách thức ngày càng gia tăng. 

“Xét mọi yếu tố, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 5,0% (từ mức 5,2%) và kỳ vọng Quý 4 sẽ chứng kiến sự phục hồi đáng kể”, các chuyên gia HSBC đánh giá.