Việc đảm bảo tái định cư trước khi thu hồi mặt bằng để khởi công dự án Vành đai 3 được xem là yếu tố quyết định với vai trò chính quyền cơ sở nơi có dự án đi qua.
UBND 3 TP.HCM đã phê duyệt hồ sơ thiết kế giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 thuộc dự án Vành đai 3 - mốc quan trọng để dự án bước vào giai đoạn tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng.
So với một số nơi, việc cắm mốc lộ giới nằm trong dự án Vành đai 3 thuộc địa phận TP.Thủ Đức có phần vất vả và đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Để đảm bảo tiến độ, vai trò của chính quyền địa phương là quan trọng nhất, từ việc phổ biến để người dân hợp tác trong việc đo đạc, đến việc cung cấp hồ sơ.
Kỹ sư Đào Trân Châu, Tổng Công ty Tư vấn xây dựng giao thông vận tải, cho biết: "Bên phường cũng đã cử các cán bộ địa chính. Có chỗ đi theo chúng tôi, có thể thông báo trước cho các hộ".
Lãnh đạo 4 địa phương TP.Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi có Vành đai 3 đi qua, tinh thần chung khi thực hiện giải phóng mặt bằng là đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng lên trên hết.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, 3 TP.HCM, thông tin: "Chúng tôi đang tiến hành hoàn chỉnh hạ tầng tại các khu vực tái định cư để đảm bảo rằng người dân khi được tái định cư tại những nơi ở mới sẽ bằng và tốt hơn nơi ở hiện nay".
Nhiều nơi đã thành lập riêng Ban chỉ đạo bồi thường tái định cư đặc biệt dành riêng cho tuyến đường Vành đai 3. Theo các chuyên gia kinh tế đô thị, việc tách dự án đường Vành đai 3 làm 2 dự án thành phần là hợp lý và đúng đắn. Điều này không chỉ giúp dự án thực hiện nhanh mà trách nhiệm từng địa phương cũng sẽ được nâng cao. Vấn đề còn lại là cần tính toán xem trên cơ sở nào bảo đảm quyền lợi của người dân.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia Kinh tế đô thị chia sẻ: "Người mất chỗ ở phải có tái định cư, có chỗ ở cho người dân trước khi bị giải tỏa. Cái thứ hai là tính toán thiệt hại của họ mà đền bù theo nguyên tắc là không bị thiệt hại thì chúng ta giải quyết được. Đổi đất, đổi nhà, đổi tiền là hình thức và cũng để có một sự lựa chọn cho người dân".
Không ít thử thách, áp lực, nhưng bằng những gì đã và đang chuẩn bị, 3 TP.HCM cho thấy một sự sẵn sàng, tập trung mọi nguồn lực cho siêu dự án này.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, mỗi địa phương làm hai dự án thành phần (xây lắp và giải phóng mặt bằng). Hiện các địa phương đang khẩn trương giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào giữa năm sau.
Tại TP.HCM, dự án Vành đai 3 có phạm vi giải phóng mặt bằng gồm hai đoạn. Trong đó đoạn 1 (qua địa phận TP.Thủ Đức) dài 14,73 km từ điểm giáp nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến điểm cuối giáp nút giao Tân Vạn; đoạn 2 dài 32,6 km đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, điểm đầu giáp cầu Bình Gởi, điểm cuối hết phạm vi cầu Thầy Thuốc.
Huyền Diệu