Đối với nội dung căn cứ xác định máy móc, thiết bị trong một số lĩnh vực có tuổi vượt quá 10 năm không thuộc công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên (Điều 4), VCCI cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Dự thảo, công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam quy định tại Phụ lục III Nghị định 76/2018/NĐ-CP là một trong những căn cứ để xác định “máy móc, thiết bị có tuổi vượt quá 10 năm không thuộc công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên”.
VCCI cho rằng, quy định này cần được xem xét lại ở điểm sau: Theo quy định của pháp luật về đầu tư, một trong những yếu tố để xem xét việc gia hạn dự án đầu tư là đánh giá máy móc, thiết bị, công nghệ của dự án đầu tư “có lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên” không.
Các công nghệ trong Danh mục công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam quy định tại Phụ lục III Nghị định 76/2018/NĐ-CP có những công nghệ không liên quan đến yếu tố “tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động” (ví dụ: những công nghệ có tính chất tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế – xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội). Vì vậy, việc xác định toàn bộ các công nghệ trong Danh mục này thuộc trường hợp máy móc, thiết bị thuộc “công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên” là chưa phù hợp.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo xác định chính xác các loại công nghệ mặc dù trên 10 năm tuổi nhưng “không thuộc công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên".
Ảnh minh hoạ
Điểm e khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định “công nghệ sử dụng máy móc, thiết bị là công nghệ không tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế – xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội” là một trong các điều kiện để xét thuộc trường hợp máy móc, thiết bị có tuổi vượt quá 10 năm không thuộc công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Tuy nhiên, theo VCCI, quy định trên là chưa đủ rõ ràng, bởi “gây hậu quả xấu đến phát triển kinh tế – xã hội; ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội” là khái niệm mang tính định tính, chưa đủ rõ ràng, đưa ra nhiều cách diễn giải khác nhau. Điều này có thể gây khó khăn trong thực tế áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng định lượng hoặc bỏ quy định này.
Điểm i khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định về điều kiện “được duy tu, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ theo quy định của nhà sản xuất”. Yêu cầu điều kiện này cần được xem xét lại, bởi vì điểm cốt lõi của các máy móc, thiết bị có tuổi thọ vượt quá 10 năm nhưng được xác định là không thuộc công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên là các máy móc, thiết bị này vẫn còn đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quốc gia của các nước phát triển (G7, Hàn Quốc).
Các yếu tố này đã được xem xét thông qua các tổ chức giám định, thể hiện ở Chứng thư giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ được cung cấp trong hồ sơ xin gia hạn. Mặt khác, trong hồ sơ xin gia hạn dự án đầu tư trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên không có tài liệu nào yêu cầu chứng minh máy móc, thiết bị phải đáp ứng yêu cầu này. Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại điểm I khoản 1 Điều 4 Dự thảo.
VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại Điều 3 Dự thảo về giải thích từ ngữ, vì các khái niệm này đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Dự thảo không cần thiết phải nhắc lại.