Động thái mới của nhóm cổ đông lớn Hải Phát Invest (HPX): Đề cử vào HĐQT, từng là lãnh đạo cấp cao ở nhiều công ty chứng khoán

Trong số các thành viên được đề cử có ông Vũ Hồng Sơn (SN 1969), người có mối liên quan với CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát – tổ chức thuộc nhóm tân cổ đông lớn tại Hải Phát Invest.

Trong diễn biến mới nhất, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã: HPX) đã công bố tài liệu bổ sung cho cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến diễn ra vào 21/10 tới đây. Theo công bố của HPX, danh sách đề cử HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 bao gồm 5 thành viên và Ban Kiểm soát bao gồm 3 thành viên.

Đáng chú ý, trong số các thành viên được đề cử có ông Vũ Hồng Sơn (SN 1969), người có mối liên quan với CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát – tổ chức thuộc nhóm tân cổ đông lớn tại Hải Phát Invest.

Cụ thể, ông Sơn là thành viên HĐQT Toàn Tín Phát trong 1 năm 9 tháng, từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2023. Theo tìm hiểu, ông Sơn là một trong 3 cổ đông sáng lập của Toàn Tín Phát với sở hữu 5,5% vốn điều lệ.

Trước đó, cá nhân này từng tham gia làm việc và điều hành nhiều công ty chứng khoán như Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Phó phòng tư vấn TCDN từ tháng 10/2008 đến tháng 1/2008); Chứng khoán Everest (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc từ tháng 6/2008 đến tháng 12/2020); Chứng khoán DSC (Thành viên HĐQT, Phó TGĐ từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2021) hay Chứng khoán Asean (Phó TGĐ từ tháng 9/2022 đến tháng 4/2023). Ngoài ra, ông Sơn còn từng giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đại Dương trong hơn 4 năm (từ tháng 2/2009 đến tháng 10/2013). Hiện, ông Sơn nắm 22 nghìn cổ phiếu HPX, tương ứng tỷ lệ 0,0072% vốn.

Việc ông Sơn được đề cử vào HĐQT HPX không quá bất ngờ sau khi Hải Phát đón nhóm cổ đông mới ngay trước thềm cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch. Trong phiên 14/9, ông Hoàng Văn Toàn cùng các bên liên quan đã báo cáo mua vào 49,6 triệu cổ phiếu HPX, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Hải Phát Invest từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ. Trong đó, các bên liên quan gồm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, bà Hoàng Thị Ý, ông Nguyễn Việt Dũng và bà Hoàng Thị Như. Tỷ lệ sở hữu của nhóm tân cổ đông lớn thậm chí vượt tỷ lệ sở hữu của gia đình Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải, ước tính nhóm đã chi hơn 270 tỷ để hoàn tất thương vụ trên.

hai-phat-invest-1697032076.png
 

Trở lại với Hải Phát, danh sách được đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới cũng có hai gương mặt mới. Trong đó, ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1979) có trình độ thạc sỹ kinh tế. Cá nhân này có kinh nghiệm tại các công ty kiểm toán, ngân hàng, Chứng khoán FPTS (Trưởng nhóm Tư vấn tài chính Doanh nghiệp) hay Quỹ Đầu tư Nhật Bản. Ngoài ra, ông Dũng còn là Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) từ năm 2011 đến 2018. Kể từ tháng 10/2022 đến hiện tại, cá nhân này đang làm cố vấn cho CTCP Eclipse Việt Nam.

Ông Lã Quốc Đạt (SN 1989) trình độ Cử nhân kinh tế đối ngoại. Ông Đạt từng là Trợ lý giám đốc Chi nhánh 207-3 của Công ty TNHH MTV 207 BQP, Trợ lý giám đốc của Xí nghiệp Xây dựng công trình phía Bắc – Công ty TNHH MTV Ứng dụng Kỹ thuật và Sản Xuất.

Điểm lưu ý là việc ông Lã Quốc Đạt có điểm chung với ông Hoàng Văn Toàn khi hai cá nhân này từng là cổ đông tại CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM) vào năm 2022. Ông Toàn cùng người có liên quan nắm hơn 8% vốn AGM trong khi ông Đạt có thời điểm nắm hơn 6% vốn AGM.

Danh sách thành viên được đề cử vào HĐQT Hải Phát Invest nhiệm kỳ mới còn có một số cái tên quen thuộc hiện đang có mặt ở HĐQT gồm ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT HPX và ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch HĐQT HPX.

Danh sách thành viên được đề cử vào Ban Kiểm soát HPX nhiệm kỳ mới gồm ba cái tên Bùi Đức Tuế, Đỗ Mạnh Quân và Chu Việt Hùng, trong đó ông Bùi Đức Tuế (SN 1963) chưa từng làm việc trong hệ sinh thái Hải Phát trong khi ông Quân đang là Kế toán trưởng tại Hải Phát Kinh Bắc và ông Hùng đang là chuyên viên văn phòng Hải Phát Invest.

Mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 120 tỷ đồng trong năm 2023, không chia cổ tức ba năm liên tiếp

Cũng trong kỳ đại hội lần này, Hải Phát Invest sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2023 với mục tiêu doanh thu tối thiểu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tối thiểu 120 tỷ đồng.

Công ty dự kiến không chia cổ tức năm 2023. Đồng thời, HĐQT Hải Phát Invest cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức 5% năm 2021 (tương đương chi 152 tỷ đồng) để tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Với năm 2022, công ty cũng không thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.

hai-phat-invest-1-1697032076.png
 

Năm 2023, Hải Phát Invest sẽ tập trung tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, cơ cấu sắp xếp lại mô hình hoạt động, số lượng công ty con, cơ cấu nhân sự trên tinh thần gọn nhẹ, giảm đầu mối để tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí; phương thức hoạt động phân định rõ chức năng quản lý và điều hành; xây dựng chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn của công ty và điều hành theo kế hoạch được thông qua, phê duyệt.

Công ty sẽ tìm cách tháo gỡ vưỡng mắc các dự án và hoàn thiện pháp lý các dự án như BT Điện Biên, dự án TM1 Nha Trang, dự án 1,4ha Phú Yên... Hải Phát cũng cho biết sẽ tập trung bán buôn các sản phẩm tại dự án như dự án Lào Cai, 4 tòa cao tầng dự án Bắc Giang và dự án khu dân cư tại Km3, km4 phường Hải Yên, TP Móng Cái (giai đoạn 1), tỉnh Quảng Ninh,... để có dòng tiền trả nợ các khoản đến hạn và phát triển các dự án cũng như duy trì hoạt động kinh doanh.