Với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức”, bức tranh kinh tế Việt Nam với “gam màu xám” bởi cơ hội có, nhưng thách thức nhiều hơn được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn thường niên lần thứ 15.
Tại diễn đàn, các chuyên gia dự đoán năm 2023 sẽ có nhiều biến động tác động đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Để ổn định sản xuất, chủ động trong xuất khẩu, một số ý kiến đưa ra kiến nghị như chính sách tiền tệ cần có ưu tiên riêng cho từng lĩnh vực.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhận định: "Phải làm sao các chính sách về tiền tệ, chính sách về vốn giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng hấp thụ được vốn, đảm bảo sức khỏe tiền tệ, sức khỏe tài chính, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, vốn lưu động".
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết: "Sẽ đa dạng nguồn vốn với chi phí cạnh tranh hơn. Chẳng hạn như ngành chăn nuôi thì chúng tôi cũng đã có mời được đối tác AFC - tổ chức tài chính quốc tế. Họ đầu tư vào vốn trái phiếu để chúng tôi có thể tăng vốn trong xây dựng và mở rộng cái trang trại".
Một số ý kiến cho rằng, sự thay đổi tích cực trong việc thực thi các thủ tục hành chính sẽ là giải pháp tốt nhất khơi thông các nguồn lực.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: "Để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng một cách mạnh mẽ thì rõ ràng cơ chế thực thi rất quan trọng. Do đó chính sách tạo động lực thực thi cho bộ máy các cấp là một yếu tố rất quan trọng. Tôi cho rằng từ khóa cho năm 2023 là nâng cao chất lượng thực thi".
Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị nên chủ động thay đổi mô hình kinh doanh và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp để tạo sức mạnh nội địa. Ngoài khai thác tốt thị trường trong nước, doanh nghiệp có thể tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho hay, hiện định hướng dài hạn là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song đây cũng là yêu cầu đặt ra để tăng tính tự chủ của nền kinh tế.
Đồng thời, năm 2023 cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là năm bản lề mà còn giúp tạo dựng nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn, nhất là trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Kinh tế Môi trường