Mặc dù kinh tế thế giới diễn biến khó lường, căng thẳng thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia và khu vực, song sau nửa chặng đường đầu tiên của năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng 2 con số và cán cân thương mại duy trì xuất siêu.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận sự khởi sắc rõ nét trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Nhờ đó, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục duy trì mức xuất siêu 7,63 tỷ USD.

Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê), cho biết, xuất khẩu tăng trưởng tốt là tín hiệu tích cực giúp ổn định kinh tế vĩ mô và giữ đà phục hồi. Khu vực đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong kim ngạch xuất khẩu, các tập đoàn lớn tăng cường hoạt động, thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP…. Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp tăng cường thúc đẩy mở rộng thị trường, đàm phán kỹ thuật, đẩy mạnh logistics, hải quan điện tử, cải thiện thủ tục xuất khẩu đã đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian vừa qua.
Trước bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong nước năm 2025, cùng với dự báo những thách thức và cơ hội đan xen trong giai đoạn tới, tăng tốc xuất khẩu đang được các doanh nghiệp đặt mục tiêu cũng như đưa ra chiến lược cho 6 tháng cuối năm 2025 và trong thời gian tới.
Cụ thể, với lĩnh vực dệt may, ông Lê Tiến Trường Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho hay, thông thường, 6 tháng đầu năm chỉ gánh vác được 40% lợi nhuận cả năm. Hiện các doanh nghiệp đang nhận đơn hàng tháng đến tháng 8, tháng 9. Ngành dệt may kỳ vọng với đơn hàng từ nay đến cuối năm, sản lượng sản xuất cơ bản đủ và tăng trưởng kim ngạch toàn ngành sẽ đạt khoảng 7 - 8%.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS) cho biết, doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư nhà máy nguyên phụ liệu ngay tại thị trường trong nước. Theo đó, hiện doanh nghiệp đã mua 3 nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao vào các nhà máy này. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng tốc, mở rộng ra các thị trường Australia, Canada.
“Dù không đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2 con số mà doanh nghiệp đặt ra cho cả năm nay, tuy nhiên, dự kiến, cả năm 2025, doanh nghiệp vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 8%”, ông Việt chia sẻ.
Hiện, Việt Nam ký nhiều Hiệp định thương mại tự do mở rộng cơ hội cho xuất khẩu cho ngành dệt may. Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, các quốc gia cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng tốc tham gia vào thị trường dệt may toàn cầu, điều này tạo sức ép cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Để thích ứng được với thị trường, buộc phải có tài chính để đầu tư công nghệ. Do đó, ông Việt cũng kiến nghị được hỗ trợ về vốn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tái đầu tư vào công nghệ cao.
Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, ông Lê Đức Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho hay, các doanh nghiệp ngành cà phê thường tính theo vụ (từ tháng 10 năm nay đến tháng 6 sang năm). Từ tháng 7 đến tháng 9/2025, lượng tồn kho trong dân thấp, lượng cam kết thu mua của doanh nghiệp cũng không lớn, do đó, tổng lượng cà phê doanh nghiệp xuất khẩu năm nay khoảng 110 nghìn tấn ngang bằng năm ngoái, tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 55%. Duy trì các thị trường xuất khẩu cà phê trọng điểm như EU, đồng thời mở rộng ra các thị trường mới là kế hoạch được doanh nghiệp đưa ra.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đóng góp vào sự phát triển của ngành và đất nước trong giai đoạn mới; nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ nhằm khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản; tăng cường các hoạt động phát triển thị trường, kết nối, quảng bá nông sản tại các thị trường lớn nhưng thị phần còn chưa tương xứng như EU, Nhật Bản.
Đồng thời, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các nhóm sản phẩm chủ lực như trái cây và nhóm sản phẩm tiềm năng còn nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu như sản phẩm chăn nuôi.
Duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại 6 tháng cuối năm 2025 sẽ là tín hiệu tích cực giúp ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định cán cân vãng lai, tỷ giá và hỗ trợ kiểm soát lạm phát.