Định vị thương hiệu sản phẩm "made in Việt Nam" trong thương mại điện tử

Việc xây dựng, định vị thương hiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp gia tăng giá trị xuất khẩu mà còn nâng cao uy tín của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu.

Thương hiệu quốc gia là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thương mại điện tử đang trở thành cánh cửa quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu. Việc đưa hàng hóa xuất khẩu lên các sàn thương mại điện tử lớn không chỉ giúp hàng Việt vươn xa, mà còn mở ra cơ hội gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, sự thiếu đầu tư vào xây dựng thương hiệu đã và đang khiến nhiều sản phẩm "Made in Vietnam" bị lu mờ dưới tên tuổi của các nhãn hàng nước ngoài.

Trên các nền tảng thương mại điện tử, nhiều sản phẩm của Việt Nam thường được bán dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng quốc tế không nhận ra nguồn gốc thực sự của sản phẩm, làm thương hiệu Việt mất đi cơ hội khẳng định tên tuổi cũng như gia tăng giá trị nhờ xuất xứ rõ ràng.

Góp ý về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, để thành công, các doanh nghiệp cần hiểu rõ cách kể câu chuyện thương hiệu của mình và áp dụng các công cụ số. Doanh nghiệp cần xây dựng và bảo vệ thương hiệu, lên kế hoạch các chương trình khuyến mãi trên môi trường trực tuyến và tìm hiểu nhu cầu thị trường một cách bài bản và dài hạn.

Khẳng định thương hiệu quốc gia là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu, ông Phạm Xuân Tùng, thành viên Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến (VESA), cho biết: "Những sản phẩm ‘made in Vietnam’ đã xuất hiện trên nhiều kệ hàng và được sự đón nhận của thị trường quốc tế. DN có thể tận dụng lợi thế đó để kể câu chuyện thương hiệu, về vùng nguyên liệu hay người nông dân để tạo ấn tượng cho sản phẩm". 

Dù tồn tại một số thách thức nhưng thị trường bán hàng thương mại điện tử còn rất nhiều cơ hội để các sản phẩm, thương hiệu Việt “tỏa sáng”. Điều quan trọng là các DN cần phải biết nắm cơ hội theo những nguyên tắc thương mại quốc tế./.