Điểm nóng mùa ĐHĐCĐ 2025: Ngân hàng lớn, bé 'rủ nhau' tăng vốn

Điểm nhấn trong mùa ĐHĐCĐ năm nay của các ngân hàng xoay quanh câu chuyện tăng vốn. Bên cạnh mục tiêu tiến tới tiêu chuẩn Basel III, tăng vốn còn là động lực để các ngân hàng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra.

Ngân hàng dồn dập tăng vốn

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 sáng 8/4, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy cho biết ngân hàng dự kiến phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng, lên mức gần 51.367 tỷ đồng.

Tăng vốn cũng là điểm nhấn trong kế hoạch năm 2025 của nhiều ngân hàng. Trong tài liệu ĐHĐCĐ mới đây của Vietcombank, ngân hàng này cho biết, dự kiến nâng tổng số vốn điều lệ lên gần 89.000 tỷ đồng thông qua chào bán hơn 543 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mệnh giá 10.000/cp cho tối đa 55 nhà đầu tư.

Tương tự, OCB cũng dự kiến phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8%, nâng vốn điều lệ từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng trong năm 2025.

dhcd-ngan-hang-1744206250.jpg
 

Không riêng các ngân hàng lớn, các ngân hàng “top dưới” về vốn điều lệ cũng rộn ràng với các kế hoạch tăng vốn trong năm 2025.

Gần đây nhất, Saigonbank dự kiến phát hành gần 33,88 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10% để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của Saigonbank sẽ tăng từ 3.388 tỷ đồng lên 3.727 tỷ đồng.

Vietbank dự kiến tăng thêm 3.780 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu phát hành thành công cả 2 đợt, vốn điều lệ của Vietbank có thể tăng từ 7.139 tỷ đồng lên gần 10.920 tỷ đồng. BVBank cũng sẽ chào bán 68,98 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm nâng vốn điều lệ lên hơn 6.200 tỷ đồng.

Song song với giải pháp giữ lại lợi nhuận/phát hành cổ phiếu để tăng vốn cấp 1, nhiều ngân hàng lựa chọn phát hành TPDN dài hạn nhằm tăng vốn cấp 2. Báo cáo mới công bố của VIS Rating chi ra, trong quý I/2025, ngân hàng là nhóm có dư nợ trái phiếu cao nhất, chiếm tới 41,7% tổng dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Ngoài ra, nhiều ngân hàng lọt top phát hành nhiều nhất trong quý I/2025, như BVBank, VietinBank, SHB, MB, HDBank và ACB.

Động lực để ngân hàng tăng vốn

Đa số các ngân hàng cho biết, một trong những lý do để tăng vốn điều lệ trong năm 2025 là nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của NHNN. Việc hướng đến Basel III cũng là động cơ đằng sau cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng. Bởi Basel III yêu cầu các ngân hàng nắm giữ lượng vốn cao hơn và với chất lượng cao hơn nhằm bù đắp những thiệt hại không mong muốn.

Trong Chỉ thị số 09/CT-TTg về các nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu, triển khai các kiến nghị của khối ngân hàng liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực Basel III và xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) cũng đề xuất lộ trình áp dụng các chuẩn mực quốc tế, bao gồm Basel III từ ngày 1/1/2026 trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

dhcd-ngan-hang-1-1744206250.jpgCó nhiều động lực đằng sau cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng.
 

Theo Chứng khoán MBS, hiện tại có hơn 20 ngân hàng đã đáp ứng và áp dụng yêu cầu về CAR theo tiêu chuẩn Basel II, tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN vào hoạt động của mình. Các ngân hàng đang có xu hướng nâng cấp tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo Basel III nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh với các tổ chức tín dụng toàn cầu. Tuy nhiên, mới chỉ có 13 ngân hàng tại Việt Nam đã công bố hoàn thành các chỉ tiêu trong chuẩn mực Basel III, gồm OCB, HDBank, ACB, VIB, Nam A Bank, SeABank, LPBank, Techcombank, VPBank, Sacombank, MSB và ABBank.

Bên cạnh đáp ứng yêu cầu của NHNN, tăng vốn còn là bước đệm để các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng. Một trong những động lực cho tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 đến từ đầu tư công, đầu tư vào các dự án hạ tầng với hợp đồng tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nếu không cấp thiết tăng vốn, rõ ràng, các ngân hàng sẽ không có bộ đệm vốn đủ dày để “tiếp sức” cho các dự án lớn cũng như phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%.

Như NCB, số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được dùng để tăng cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Hay như Vietcombank, một phần vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để bổ sung vào nguồn vốn hoạt động kinh doanh cho các hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt cho các dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn, thực hiện các chính sách của nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh áp lực đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng còn phải tăng vốn để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh trong cuộc đua số hóa ngày càng khốc liệt. Đơn cử như Vietcombank, phần vốn điều lệ tăng thêm không chỉ được dùng để mở rộng dư địa tín dụng, mà còn đầu tư vào hạ tầng công nghệ, góp phần thực hiện các mục tiêu theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.