ĐHCĐ ACV: Năm 2023 không còn hỗ trợ giảm 50% phí cất hạ cánh cho các hãng hàng không, quý đầu năm đạt 1.600 tỷ đồng

Mặc dù Nhà nước và ACV đã có những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, nhưng các hãng vẫn còn khó khăn. Điều này ảnh hưởng tới việc trả nợ cho ACV.
acv-ho-tro-1683648137.jpeg
 

Ngày 9/5/2023, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch 118 triệu lượt khách, tăng trưởng 19% so với năm 2022. Trong đó, số lượt khách nội địa được kỳ vọng giảm nhẹ xuống mức 86 triệu lượt, ngược lại lượt khách quốc tế kỳ vọng tăng trưởng mạnh 168% lên 32 triệu lượt, chủ yếu dựa trên kỳ vọng từ việc du khách Trung Quốc trở lại và việc mở các đường bay mới tới Ấn Độ.

Tương ứng, ACV đặt kế hoạch doanh thu 19.360 tỷ - tăng 22% và lãi trước thuế 8.488 tỷ - tăng 12% so với thực hiện 2022.

ACV cũng thông qua kế hoạch tổng thu từ phí cất hạ cánh (thuộc tài sản khu bay) đạt 2.681 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chương trình hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam (giảm 50% phí cất hạ cánh) theo ACV đã kết thúc trong năm 2022. Do đó, phí cất hạ cánh trở lại mức bình thường đối với các hãng hàng không Việt Nam.

Chia sẻ tại Đại hội, Tổng Giám đốc là ông Vũ Thế Phiệt cho biết năm qua, ngành hàng không dần hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi kinh tế thế giới biến động và cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Mặc dù Nhà nước và ACV đã có những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, nhưng các hãng vẫn còn khó khăn. Điều này ảnh hưởng tới việc trả nợ cho ACV.

Sang quý đầu năm nay, với chính sách mở cửa, kinh tế vĩ mô ổn định, ông Phiệt khẳng định chắc chắn năm nay khách quốc tế sẽ tăng, nhất là khi thị trường Trung Quốc đã mở từ 15/3. Theo số liệu thống kê của ACV, tổng sản lượng hành khách 4 tháng đạt 36.4 triệu, trong đó khách quốc tế đã hồi phục lên mức tương đương 77-78% của năm 2019. ACV dự báo, lượng khách quốc tế sẽ hồi phục khoảng 80% so với trước dịch là năm 2019, tương đương 30 triệu khách quốc tế.

Kết thúc quý 1/2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 4.700 tỷ - tăng 124% và lãi ròng hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ACV thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Về kế hoạch đầu tư, năm nay ACV dự chi 33.000 tỷ cho sân bay quốc tế Long Thành (LTIA) giai đoạn 1, nhà ga T3 của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 của sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng mới các nhà ga tại sân bay quốc tế Phú Bài và Cát Bi.

Chia sẻ về kế hoạch hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, Tổng Giám đốc ACV nhấn mạnh sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải và tổng lượng hàng khách qua sân bay này trong năm 2019 đã 41 triệu hành khách, trong đó có 25 triệu hành khách quốc nội và 16 triệu hành khách quốc tế. Công suất chung của 2 nhà ga này chỉ có 28 triệu khách, trong đó nhà ga quốc nội chỉ có 15 triệu khách và quốc tế là 13 triệu.

Với dự báo tình hình đến năm 2030 và quy hoạch chung, chắc chắn sản lượng hành khách của Tân Sơn Nhất sẽ vượt cả quốc nội lẫn quốc tế. Đặc biệt năm 2022, sản lượng hàng khách quốc nội của Tân Sơn nhất đã vượt 25 triệu khách, cao hơn cả năm 2019.

Do đó, phương án khai thác sân bay Long Thành dự kiến phục vụ 90% khách quốc tế của khu vực Đông Nam Bộ và chỉ 10% nội địa.

Liên quan tới kế hoạch niêm yết trên HoSE, đại diện ACV cho biết sẽ thực hiện khi đáp ứng các điều kiện. Hiện nay BCTC ACV vẫn còn các ý kiến kiểm toán về quyết toán cổ phần hóa và tài sản khu bay. Vì vậy, ban lãnh đạo nhấn mạnh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi niêm yết lên HoSE để đảm bảo lợi ích cho các cổ đông.