Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù để phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM

Dự thảo Nghị quyết nêu 6 nhóm chính sách đặc thù gồm: Huy động nguồn vốn; Trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; Phát triển đô thị theo mô hình TOD; Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; Chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Các quy định áp dụng riêng cho TP.HCM.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc hôm nay 12/2, Quốc hội sẽ xem xét Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP.HCM.

Dự thảo Nghị quyết đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị, hướng tới mục tiêu huy động tối đa mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn thời gian chuẩn bị và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Các cơ chế chính sách đặc thù sẽ tối ưu hóa khai thác quỹ đất, đồng thời trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, giúp hai đô thị linh hoạt triển khai các dự án theo nhu cầu thực tiễn phát triển, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Đây cũng là bước cụ thể hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 12766-CV/VPTW ngày 27/12/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Hành khách đi tàu điện Nhổn - Cầu Giấy trên tuyến đường sắt đô thị số 3. Ảnh: Giang Huy

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ gồm 6 nhóm chính sách đặc thù, gồm: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Các quy định áp dụng riêng cho TP.HCM.

Các nhóm chính sách đã được đề cập trong Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM kế thừa các chính sách trong Luật Thủ đô, các chính sách tại Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Cụ thể, với nhóm chính sách về huy động nguồn vốn quy định, Chính phủ đề xuất Thủ tướng được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm cho địa phương, tối đa 215.350 nghìn tỷ đồng cho Hà Nội và 209.500 nghìn tỷ đồng cho TP.HCM; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án.

Trong nhóm chính sách về trình tự, thủ tục quy định, Chính phủ đề xuất dự án đường sắt đô thị không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư mà thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư.

UBND thành phố được đề xuất quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án; quyết định gia hạn thời gian thực hiện khi tổng mức đầu tư không tăng mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án; quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phí tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư…

Nhóm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch TOD được quyết định các chỉ tiêu khác với quy chuẩn để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất. UBND TP được quyết định chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch trong khu vực TOD…

Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất các nhóm chính sách đặc thù về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải và nhóm quy định áp dụng riêng cho TP.HCM.

Để bảo đảm tiến độ, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết và trình Quốc hội theo trình tự thủ tục rút gọn để thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, Hà Nội và TP.HCM là 2 đô thị lớn, đầu tàu kinh tế và tạo sức lan toả cho cả nước; kinh tế của hai thành phố đều liên tục tăng trưởng  nên nguồn lực đầu tư đồng bộ, nhanh chóng các tuyến đường sắt đô thị không còn quá khó khăn.

Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của hai thành phố và quốc tế, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố là rất cần thiết và cấp bách để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố.