Theo đó, 4 ga mở mới gồm Phong Phú (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận); Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận); Cam Thịnh Đông (xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và ga Hàm Liêm (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Theo Bộ GTVT, 4 ga đưa vào khai thác trên đều là các ga kỹ thuật có chức năng sử dụng là nhường, tránh tàu, không đón, trả khách. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) có trách nhiệm ban hành đầy đủ quy tắc quản lý kỹ thuật ga phù hợp với chức năng; đào tạo nghiệp vụ cho các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu để đảm bảo an toàn; quản lý, khai thác theo đúng công năng thiết kế và phương án quản lý, khai thác được phê duyệt, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Bộ GTVT yêu cầu bổ sung công trình ga vào danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, hồ sơ quản lý công trình đường sắt và thực hiện công tác quản lý, bảo trì ga đường sắt theo quy định.
Liên quan đến thông tin trên, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, với đặc thù tuyến đường sắt đơn, trung bình 9 - 10 km phải có một ga để tác nghiệp nhường, tránh tàu. Bốn ga mở mới ở giữa các khu gian này, là ga kỹ thuật, chủ yếu tác nghiệp nhường, tránh tàu. Trường hợp xảy ra sự cố dọc đường chính tuyến như tai nạn, hỏng đường..., dẫn đến xô lệch biểu đồ chạy tàu, tàu phải chờ đợi nhau thì sẽ có thêm ga để dừng chờ, tránh, giảm ách tắc chính tuyến, giảm thời gian tàu phải chờ đợi.
Về việc xây mới 4 ga trên, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, mục tiêu dự án là cải tạo, nâng cấp đường sắt nhằm tăng năng lực hạ tầng, đảm bảo an toàn, không đặt ra mục tiêu tăng vận tốc, rút thời gian chạy tàu toàn tuyến.
Thương hiệu Pháp luật