Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI

Chân dung người sáng lập DOJI và con đường đến ghế Chủ tịch TPBank

Ông Đỗ Minh Phú cho rằng mình cần chèo lái con thuyền TPBank hơn DOJI và TPBank cũng cần mình hơn. Còn đối với DOJI, dù là người sáng lập và đứng đầu tập đoàn vàng bạc lớn này nhưng ông cho rằng đã có những đội ngũ kế cận đủ gánh vác và phát triển.

Chọn làm Chủ tịch TPBank thay vì DOJI

Ông Đỗ Minh Phú được biết đến chủ yếu với vài trò là Chủ tịch của DOJI Group - một doanh nghiệp lớn chuyên về kinh doanh vàng bạc đá quý và chủ tịch của Diana Việt Nam - doanh nghiệp lớn chuyên về sản xuất băng vệ sinh, tã trẻ em.

Năm 2011, Diana Việt Nam đã bán lại phần lớn cổ phần cho Unicharm của Nhật Bản.

Sau đó, ông Phú đã tham gia vào lĩnh vực ngân hàng với việc mua lại 20% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank - TPB). Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2012, ông Phú đã được bầu làm Chủ tịch ngân hàng này; em trai ông Phú là ông Đỗ Anh Tú - TGĐ Diana Việt Nam - cũng được bầu làm Phó Chủ tịch.

Ông Đỗ Minh Phú chọn làm Chủ tịch của TPBank thay vì chức danh Chủ tịch của DOJI

Tại nghị quyết đại hội cổ đông năm 2018 TPBank, ông Phú tiếp tục được bầu vào HĐQT và giữ chức chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ mới. Chọn TPBank, ông Đỗ Minh Phú buộc phải rời bỏ chức chủ tịch ở 6 doanh nghiệp theo quy định của Luật TCTD.

Do đó, ông Đỗ Minh Phú chính thức không còn là: Chủ tịch CTCP Tập đoàn VBĐQ DOJI, Chủ tịch HDDQT của Công ty VBĐQ SJC Hà Nội, Chủ tịch công ty VBĐQ SJC Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đá quý và Vàng Yên Bái, Chủ tịch CTCP Đầu tư và thương mại Bông Sen Đỏ, Chủ tịch công ty TNHH Đầu tư BĐS DOJILand.

Thời điểm năm 2017, việc ông từ bỏ vị trí cao nhất tại DOJI để toàn tâm toàn ý với TPBank chắc chắn là một quyết định vô cùng khó khăn, nhưng có lẽ cũng không thể sai lầm. Bởi hơn ai hết, ông hiểu cả hai "đứa con" này cần mình, nhưng giữa một doanh nghiệp đã có thâm niên hơn một phần tư thế kỷ hoạt động, gặt hái nhiều thành công rực rỡ, và có một đội ngũ lãnh đạo lâu năm hùng hậu, và một ngân hàng trẻ nhất hệ thống, vừa có những bước đi chập chững đầu tiên, hẳn một vị lãnh đạo nhiều suy tư như ông đã nắm chắc lựa chọn của mình.

Cơ duyên đến với đá quý

Ông Đỗ Minh Phú sinh năm 1953, tại Yên Bái, tốt nghiệp ngành vô tuyến điện tử tại Đại học Bách khoa Hà Nội và có thời gian dài công tác trong ngành vàng bạc đá quý.

Nói về cơ duyên với vàng, đá quý, ông Phú cho biết, ông được cử đi học ở Liên Xô nhưng vì nhầm lẫn, giấy gọi nhập học thiếu tên Đỗ Minh Phú.

Để bù đắp sau sai sót này, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu viết giấy cho phép chọn bất cứ khoa nào của Đại học Bách Khoa và ông chọn nơi cao điểm nhất - ngành vô tuyến điện tử tại ngôi trường này.

Đến khi đi làm, ông theo đuổi ngành khoa học máy tính. Khả năng chuyên môn lại giỏi tiếng Anh, ông được Viện nghiên cứu cử làm giám đốc một công ty nước ngoài về đá quý, và sau đó là công ty liên doanh cùng lĩnh vực.

Năm 1994, ông bỏ chức Giám đốc công ty liên doanh lương 300 đôla Mỹ, để thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý.

Năm 2007, ông xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, DOJI Plaza tại Hà Nội.

Trong hai năm 2007 và 2008, đổi tên DOJI, tái cấu trúc và phân chia làm 6 công ty thành viên, thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái. Doanh thu của tập đoàn từ 60 tỷ (2006) lên 30.000 tỷ đồng (2011).

Ông Phú cho biết: “Chiến lược lâu dài của DOJI không phải là kinh doanh vàng miếng, mà là phát triển kinh doanh hàng trang sức”.

Sản xuất băng vệ sinh

Người cộng sự đắc lực nhất của ông Phú chính là em trai Đỗ Anh Tú

Cuối 1996, em trai ông Phú là ông Đỗ Anh Tú khi đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tiệp Khắc, có ý định đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Sau khi tìm hiểu thì thấy rằng mặt hàng băng vệ sinh có nhiều triển vọng khi chỉ mới có một công ty duy nhất đó là Softina của Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội, liên doanh với công ty TN Trade của Thái Lan.

Năm 1997, họ thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý, nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Diana chuyên sản xuất các sản phẩm khăn tã giấy, băng vệ sinh, giấy Tisue. Tổng số tiền đầu tư là 600.000 USD (tỷ giá khi đó 11.000 đồng/USD).

Năm 1997, doanh thu của Diana đạt khoảng 5 tỷ đồng, 2008 tăng lên gấp khoảng 3 lần, 2010 doanh thu đạt 1.020 tỷ đồng.

Năm 2011, Tập đoàn hàng gia dụng Nhật Bản Unicharm đã công bố mua lại 95% cổ phần của CTCP Diana. Giá trị của thương vụ không được công bố. Theo nhiều nguồn tin thì thương vụ này có giá trị nằm trong khoảng từ 130-200 triệu USD.

Giải thích về nguyên nhân bán lại Diana, ông Phú cho biết: "Diana đã trải qua quá trình hình thành và phát triển đỉnh cao của mình. Ở Việt Nam hiện nay, nhãn hiệu băng vệ sinh Diana và tã giấy trẻ em Bobby, Tã cho người già Carin.. đều là những nhãn hiệu mạnh chiếm giữ vị trí số 1 hoặc số 2 trên thị trường về thị phần tính theo số lượng sản phẩm tiêu thụ. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm hàng tiêu dùng một khi đã đến giai đoạn phát triển đỉnh cao, thị trường bị bão hòa thì cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp mang tính chất đột phá ra thị trường khu vực và thế giới. Diana cũng không là trường hợp ngoại lệ. 

Đầu tư vào TienPhong Bank

Sau thương vụ M&A đình đám này, anh em ông Phú và Tập đoàn DOJI đã bỏ "tiền tươi thóc thật" mua lại 20% cổ phần của TienPhong Bank (nay là TPBank).

Ông Đỗ Minh Phú – đại diện Doji nắm 8% cổ phần và ông Đỗ Anh Tú – cổ đông nắm 5% đã được bầu vào Hội đồng quản trị của Tienphong Bank. Hai người lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT.

TPBank từng là 1 trong 9 ngân hàng TMCP phải tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015. Vượt qua rất nhiều thử thách cuối cùng đã tái cơ cấu thành công, giờ đây, TPBank đã trở thành một ngân hàng có lợi nhuận trước thuế đạt 3.900 tỷ đồng.

Theo thống kê dữ liệu trên HNX, từ tháng 5 đến tháng 9/2022, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) đã “dồn dập” phát hành tới 10 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng. Tất cả 10 lô trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm và đều không công bố rõ thông tin về lãi suất cũng như mục đích phát hành.

Song song với việc phát hành trái phiếu, TPBank cũng liên tiếp mua lại trước hạn 6 lô trái phiếu (từ tháng 4 đến tháng 9/2022) với tổng giá trị 5.650 tỷ đồng. Cả 6 lô trái phiếu này đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải là nợ thứ cấp, không có đảm bảo bằng tài sản và không kèm theo chứng quyền. Trái phiếu của TPBank có kỳ hạn 3 năm, được phát hành với mục đích phát triển hoạt động kinh doanh của TPBank với lãi suất chủ yếu 3%/năm. 

Đáng chú ý, động thái mua lại trái phiếu trước hạn tại TPBank nêu trên diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 16/9/2022. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.

Với việc mua lại trước hạn 5.650 tỷ đồng trái phiếu nhưng lại phát hành thêm gần 6.400 tỷ đồng khiến rủi ro từ nợ trái phiếu của TPBank vẫn tăng trưởng.

HNX cũng cho biết, hiện TPBank hiện đang còn lưu hành 76 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 26.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này được phát hành từ năm 2017 đến nay, có kỳ hạn từ 3 đến 10 năm tuỳ lô. Lô thấp nhất có giá trị 1 tỷ đồng và lô cao nhất có giá trị tới 1.500 tỷ đồng.

Gia đình có 3 đời có truyền thống kinh doanh

Gia đình ông Đỗ Minh Phú là một điển hình kiểu mẫu của một đại gia đình 3 đời làm kinh doanh và đều là những nhân vật nổi tiếng trong giới doanh nhân Việt Nam. 

Thế hệ thứ nhất: 

Bố ông Đỗ Minh Phú là cụ Đỗ Thế Sử (SN 1923), là một trong những sáng lập viên Công ty tiền thân của Tập đoàn DOJI. Năm 38 tuổi, cụ đang là Tổng biên tập báo Sơn Tây thì xin nghỉ để làm kinh doanh. Năm 73 tuổi, cụ Sử lập Công ty TNHH Phát triển Xuất nhập khẩu May mặc – GAMEXCO. Hiện nay, ở độ tuổi 90, cụ vẫn trực tiếp điều hành, xuất khẩu sản phẩm may mặc sang Đông Ấu, với trên 300 lao động.

Thế hệ thứ hai: Cụ Đỗ Tiến Sử có 9 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân.

Ông Đỗ Minh Phú là con thứ ba trong gia đình họ Đỗ. Anh cả là Đại tá, Kĩ sư Đỗ Thái Tùng, đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang làm việc cho một công ty lớn ở Hà Nội.  Anh thứ hai là Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), hiện nay là Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 5 sao Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup).

Những người em trai và em gái của ông cũng đều nắm giữ những chức vụ trọng trách ở các cơ quan, doanh nghiệp lớn...

Thế hệ thứ ba: Cụ Đỗ Thế Sử có 34 cháu đều tốt nghiệp đại học (hầu hết đều học ở nước ngoài)

Riêng ông Đỗ Minh Phú có hai người con là Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức. 

Đỗ Vũ Phương Anh (SN 1980) hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc ủa Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Cô tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ với học vị Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh cao cấp. 

Đỗ Minh Đức (SN 1983) hiện đang là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Anh tốt nghiệp Đại học Westminster, Vương quốc Anh, học vị Thạc sĩ Marketing và chứng nhận Chuyên gia đá quý tại GIA (Gemology Institute of America).