Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Sáng 22/12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đến 63 tỉnh, thành phố về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Cùng dự và điều hành hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

22-2753-8509.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, trong 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP; năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

Bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. So với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển.

Những năm qua, thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã phát biểu tham luận đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành công nghiệp văn hóa; nêu những khó khăn, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

11-5881-1739.jpg
Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các tỉnh, thành trong cả nước.

Đối với Lào Cai, những năm qua, tỉnh xác định "Từng bước tạo dựng, hình thành sản phẩm văn hóa đặc trưng Lào Cai; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa" và được cụ thể hóa bằng nghị quyết về phát triển văn hóa, con người Lào Cai của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, tỉnh Lào Cai xác định du lịch là ngành trọng tâm, trọng điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển văn hóa gắn với du lịch. Đến nay, Lào Cai đã có 40 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 22 di tích danh thắng cấp quốc gia và 33 di tích danh thắng cấp tỉnh. Nhiều di tích, danh thắng, lễ hội đã phát huy hiệu quả trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng, độc đáo, hấp dẫn du khách.

Năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt gần 7 triệu lượt; tổng thu dịch vụ du lịch ước đạt 22.500 tỷ đồng. Du lịch Lào Cai đã có bước phát triển nhanh chóng và dần khẳng định là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng góp cho ngân sách địa phương với tỷ lệ ngày càng tăng.

3-6250.jpg
Các điểm cầu đóng góp ý kiến trực tuyến về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau hội nghị này, cần phải thay đổi nhận thức, tư duy, hành động, cách tổ chức thực hiện để đưa các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng phát huy hiệu quả, đáp ứng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Về phương hướng phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, tiềm năng của phát triển công nghiệp văn hóa là đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật lành mạnh, bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, xu thế thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành, địa phương và các chủ thể khác cần phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa; chủ động tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, chú trọng ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế. Chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, đề cao ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, bảo tồn phát huy bản sắc dân tộc.