Ngày 8/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Tham vấn xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 2 phiên thảo luận gồm: Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO - tầm nhìn, nguyên tắc và kinh nghiệm thực tiễn; Âm nhạc kết nối - lộ trình và sáng kiến thành phố Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Hội thảo thu hút sự tham gia của 150 đại biểu trong nước và quốc tế, đóng góp ý kiến thiết thực cho việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ ứng cử của Đà Lạt trong lĩnh vực âm nhạc, như: Xác định tiềm năng, thế mạnh và thực trạng phát triển của Đà Lạt; mục tiêu chiến lược cũng như các sáng kiến, cam kết huy động sự đóng góp của nhiều chủ thể, là các nhà quản lý, nghệ sỹ, người thực hành văn hóa và sáng tạo, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và công chúng… trong việc xây dựng thành phố sáng tạo về âm nhạc trong thời gian tới.
"Kho báu" khơi nguồn cảm xúc sáng tạo
Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đây là hội thảo rất quan trọng và kịp thời để giúp Đà Lạt hoàn thiện hồ sơ đăng ký gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo TS Phạm S, song song với tài nguyên thiên nhiên, Đà Lạt còn sở hữu những công trình kiến trúc độc đáo có tuổi đời hàng trăm năm, do chính từ tư duy sáng tạo của con người qua bao thế hệ đã tạo nên.
Đà Lạt cũng là vùng đất hứa đã lôi cuốn, giữ chân biết bao cư dân khắp mọi miền đất nước từ lúc khai thiên lập địa cho đến hôm nay để cống hiến và phát triển tài năng. Họ luôn say mê lao động sáng tạo, phát huy trí tuệ vun đắp trong quá trình hình thành phát triển đã tạo ra những sản phẩm sáng tạo rất phong phú về: văn hóa, ẩm thực, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, kiến trúc, thiết kế, văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh… Đồng thời tạo nên phong cách người Đà Lạt “hiền hòa - thanh lịch - mến khách”.
Sau 130 năm hình thành và phát triển, đến nay Đà Lạt đã trở thành thành phố Festival Hoa Việt Nam, Trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực; Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một trong 1.000 công trình kiến trúc đẹp nhất thế kỷ XX; Đà Lạt thành phố của ba thiên đường, là thành phố thông minh, thành phố bền vững về môi trường ASEAN; Đà Lạt được trang Booking.com ghi nhận đứng thứ 3 trong top 10 địa danh ngắm hoa đẹp nhất trên thế giới năm 2022; CNN bình chọn Đà Lạt là một trong 18 "kho báu châu Á" năm 2023.
“Nhờ sự kết hợp hài hòa cảnh quan tự nhiên, di sản kiến trúc, bản sắc văn hóa các dân tộc, Đà Lạt đã trở thành “kho báu” vô cùng quý giá, hiếm có để các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức và mọi tầng lớp nhân dân thỏa sức sáng tạo các lĩnh vực theo tiêu chí thành phố sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc mà Đà Lạt đang hướng đến”, TS Phạm S chia sẻ.
“Họa sĩ biến thơ thành tranh, nhạc sĩ biến tranh thành âm nhạc”. Dẫn lời Nhà soạn nhạc nổi tiếng của Đức Robert Schumann, TS Phạm S ví Đà Lạt như một bức tranh “sống”, là nơi tạo cảm xúc sáng tạo vô tận cho ngành công nghiệp văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng.
Đô thị tạo ấn tượng nổi trội về sự khác biệt
Tại Việt Nam, thành phố Đà Lạt được đánh giá là đô thị tạo ấn tượng nổi trội về sự khác biệt, với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, quy hoạch kiến trúc, là nơi hiện diện 3 di sản văn hóa được được UNESCO công nhận gồm: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Mộc bản Triều Nguyễn” và “Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang”.
Riêng về âm nhạc, Đà Lạt có nhiều sự kiện âm nhạc được thường xuyên tổ chức, đặc biệt là trong các dịp lễ hội và các ngày lễ lớn. Các sự kiện này bao gồm các buổi biểu diễn âm nhạc đa dạng, từ dân nhạc đến đương đại, đi cùng với những vũ điệu đầy màu sắc.
Ngoài ra, Đà Lạt còn có nhiều tụ điểm âm nhạc và các quán cà phê với không gian lãng mạn, được trang trí bằng những câu chuyện và những bản nhạc đầy cảm hứng, thu hút rất nhiều khách du lịch yêu thích âm nhạc đến tham quan thưởng thức. Đà Lạt cũng có nhiều địa điểm ca nhạc ngoài trời như Công viên Lâm Viên Đà Lạt, Thung Lũng Tình Yêu, Hồ Xuân Hương; phố đi bộ Đà Lạt...
Trong vài năm gần đây, hàng trăm nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước đến Đà Lạt để tổ chức các buổi biểu diễn. Tính từ 20/4 đến ngày 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép cho 32 đêm biểu diễn nghệ thuật. Đó chưa kể các chương trình nghệ thuật phục vụ mang tính nội bộ trong quán bar, nhà hàng, khu du lịch mà theo quy định, chỉ cần thông báo cho cơ quan chức năng các huyện, thành phố. Các đêm nhạc đã thu hút hàng chục ngàn khán giả đến với Đà Lạt trong dịp này và đưa Đà Lạt trở thành địa phương có nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc nhất trong dịp lễ 30/4 năm nay.
Theo bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), theo kinh nghiệm xây dựng đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo của những địa phương khác, lãnh đạo thành phố Đà Lạt cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng thể; đồng thời cần đẩy mạnh đào tạo, nuôi dưỡng các cộng đồng sáng tạo tại địa phương để có những sáng kiến về âm nhạc, nhảy múa, nghệ thuật trong học sinh, sinh viên và cả thế hệ trẻ.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, viết tắt là UCCN, được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững; tập trung vào nhiều lĩnh vực sáng tạo đa dạng.
Các thành phố thuộc UCCN cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và đảm bảo sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Tính đến năm 2023, đã có 301 thành phố trên thế giới gia nhập mạng lưới này, trong đó có 61 thành phố đăng ký với lĩnh vực âm nhạc.
Tại Việt Nam, Hà Nội là thành phố đầu tiên gia nhập UCCN vào năm 2019. Hiện nay, Đà Lạt và 8 thành phố khác đã tham gia đề án “Phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong năm 2021-2022.