Gốm Chu Đậu - độc đáo dòng gốm cổ mang văn hóa Việt ra thế giới

Những ngày giáp Tết, mọi thứ trở nên hối hả, guồng quay cuộc sống như nhanh hơn, ai ai cũng tất bật hoàn tất nốt công việc của mình để đón một cái Tết trọn vẹn. Trong cái se lạnh của ngày giáp Tết, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức đã chia sẻ với tôi về gốm Chu Đậu và hành trình đưa dòng gốm cổ mang bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Câu chuyện của chúng tôi về gốm Chu Đậu cứ mải miết không dừng.

Tinh hoa văn hóa Việt

Có lẽ nói đến Gốm Chu Đậu là nhắc người ta nhớ đến một điều gì đó thuần văn hóa Việt, bởi ở dòng gốm này, mọi thứ làm nên sản phẩm từ nguyên liệu và phương thức làm nên chúng đều đã được người Việt thực hiện từ cách đây hơn 600 năm. Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Gốm Chu Đậu đã được người Việt thực hiện từ cách đây hơn 600 năm. 

Chỉ cho chúng tôi những hình hoa lam trên chiếc bình gốm được làm theo nguyên bản của chiếc bình gốm cổ đang được trưng bày tại Bảo tàng Topaki Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, anh Thức giới thiệu, sản phẩm gốm Chu Đậu được làm ra từ nguồn nguyên liệu đất sét trắng địa phương- nơi có vùng thổ nhưỡng trầm tích được lấy từ nơi giao nhau của 6 con sông (hay còn gọi là Lục Đầu Giang) ở Chí Linh. Men gốm Chu Đậu là men tro lấy từ vỏ trấu có màu hanh vàng, không pha hóa chất, dòng men này đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là dòng men thiên nhiên cổ truyền độc đáo của Việt Nam, và được các nghệ nhân vẽ bằng tay, nên mỗi sản phẩm là độc nhất, vì không thể hai lần vẽ giống y hệt nhau được- anh Thức chia sẻ.

Anh Thức cho biết, dòng gốm cổ quý giá này có từ thế kỷ 14-15 ở nước ta, vốn được đánh giá là hoàn hảo từ dáng vẻ, chất men đến họa tiết, hoa văn trang trí, thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhiều cổ vật gốm Chu Đậu đang được trân trọng bảo quản và trưng bày ở 46 bảo tàng danh tiếng trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)...; rất nhiều cổ vật đã được đấu giá và bảo hiểm lên tới hàng triệu USD.

Từ năm 2015, gốm Chu Đậu chính thức được Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước chọn là một trong những quà tặng tiêu biểu của quốc gia, làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia trong một số sự kiện ngoại giao lớn của đất nước. Từ đó đến nay, gốm Chu Đậu luôn vinh dự được theo các đoàn làm việc của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đi ra thế giới, góp phần mang bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Anh Nguyễn Hữu Thức chia sẻ: Gốm Chu Đậu được chọn là một trong những quà tặng của quốc gia bởi lẽ nó hội tụ tinh hoa văn hóa Việt. Những sản phẩm gốm Chu Đậu làm quà tặng phải truyền tải được thông điệp văn hóa Việt, các nghệ nhân đưa vào đó những hoa văn, họa tiết gắn liền với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trên mọi miền đất nước, đó là vịnh Hạ Long, chùa Một Cột, Khuê Văn Các, phố cổ Hội An, hay cầu Thê Húc duyên dáng bên Hồ Gươm...

Đặc biệt, cùng với loại men độc đáo của gốm Chu Đậu, các nghệ nhận đã vẽ vàng lên sản phẩm giúp sản phẩm hội tụ đầy đủ 5 yếu tố ngũ hành: kim- mộc- thủy- hỏa- thổ”.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức nhận biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 

Phục hưng dòng gốm cổ, đưa văn hóa Việt ra thế giới

Dòng gốm cổ có tuổi đời 600 năm hiện đang được gìn giữ và phát huy bởi Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu- một thành viên của Tập đoàn BRG. Anh Nguyễn Hữu Thức cho biết, công ty đã tiến hành phục hưng được hàng trăm mẫu mã dòng gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền, đồng thời nghiên cứu thành công nhiều dòng sản phẩm mới có giá trị, xây dựng Chu Đậu thành một thương hiệu gốm cao cấp tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu,

Suốt gần 20 năm qua, gốm Chu Đậu một mặt vẫn giữ được nét độc đáo thuần Việt, mặt khác, luôn được cải tiến kiểu dáng, mẫu mã, đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Đến nay, sản phẩm gốm Chu Đậu đã rất đa dạng, từ những lọ lộc bình sang trọng được dùng làm quà tặng quốc tế, đồ tâm linh, đến những sản phẩm gia dụng trong gia đình... vì men của gốm Chu Đậu không sử dụng hóa chất nên rất an toàn cho người sử dụng.

Liên tục cho ra nhiều mẫu sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của gốm Chu Đậu, công ty đã hai kỳ liên tiếp được vinh danh có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia- anh Nguyễn Hữu Thức phấn khởi cho biết.

Anh Nguyễn Hữu Thức chia sẻ, năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn với ngành hàng thủ công mỹ nghệ. Do lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới, nên sức mua bị suy giảm, nhiều đơn hàng lớn bị hủy. Không nằm ngoài vòng xoáy chung đó, tuy nhiên, công ty bị ảnh hưởng không nhiều, do sản phẩm gốm Chu Đậu ngoài giá trị sử dụng, còn mang giá trị lớn về văn hóa tinh thần. Nhờ vậy, trong bối cảnh khó khăn, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu vẫn giữ được mức doanh thu và kim ngạch xuất khẩu ổn định.

Bước sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn do lạm phát trên thế giới vẫn tiếp tục tăng cao. Đối phó với tình hình khó khăn đó, công ty đã đưa ra định hướng chiến lược: phát triển mẫu mã sản phẩm mới hợp gu thị trường nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa trong từng sản phẩm; cải tiến công nghệ, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi từ đó giảm giá thành; đẩy mạnh marketing online,...

Đặc biệt, công ty sẽ nghiên cứu cho ra những sản phẩm gốm Chu Đậu mới với nét vẽ tươi sáng, mang màu sắc rực rỡ để tạo sự hứng khởi cho người dùng, thêm động lực vượt qua khó khăn, bởi, trong bối cảnh khó khăn, càng cần sự động viên khích lệ tinh thần- anh Thức cho hay.

Bình Thiên Phúc gốm Chu Đậu phiên bản cổ đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Metropolitan Museum of Art của Tp New York 

Câu chuyện về gốm Chu Đậu độc đáo giàu bản sắc Việt giữa chúng tôi cứ miên man không dứt, anh Thức như muốn truyền cho tôi tình yêu sâu đậm của anh dành cho dòng gốm cổ này. Ngoài trời những hạt mưa li ti bắt đầu rơi, thời tiết như đã vào Xuân. Ngắm chiếc bình gốm Chu Đậu có tên “Thiên phúc” với họa tiết hoa cúc đại đóa cùng các hoa văn dung dị, men trắng ngà thuần chất Việt, và hình dung, một bản khác của chiếc bình này đang được trưng bày trân trọng tại bảo tàng nổi tiếng của thế giới, tôi thầm cảm ơn những người thợ tài hoa của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đã góp phần đưa nét văn hóa Việt của dòng gốm cổ Chu Đậu ra thế giới.

VietQ