Liên quan đến vụ việc 30 lô sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định, ông Huỳnh Tất Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đã có kết quả kiểm tra việc xác minh các lô hàng, mã số vùng trồng sầu riêng mà phía hải quan Trung Quốc cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.
Cụ thể, theo ông Đạt, sau khi nhận được cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp rà soát. Cùng với đó, lập đoàn kiểm tra đi lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng có trong danh sách cảnh báo nhiễm cadimi. Đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng từ mẫu đất, nước, phân bón, vật tư, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất xử lý sầu riêng... Kết quả, không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng cadimi như Trung Quốc cảnh báo.
Cục Bảo vệ thực vật đang tổng hợp thông tin để báo cáo Bộ trưởng NN&PTNT, sau đó sẽ tổ chức họp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc; họp báo thông tin rộng rãi tới người dân và cơ quan chức năng trong nước.
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.
Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.
Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.
Hiện nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang 23 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu từ gần 178 triệu USD năm 2021 tăng lên 2,24 tỷ USD năm 2023.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023.
Tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có lợi thế lớn bởi thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Chưa kể, chúng ta còn chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh vào thị trường này.
Tuy nhiên, đại diện Cục Trồng trọt cũng chỉ rõ những hạn chế của ngành hàng tỷ USD này. Đơn cử, ngành sầu riêng chưa có quy trình chuẩn cho toàn bộ chuỗi sản xuât từ giống tới sau thu hoạch; liên kết sản xuất chưa bền vững, chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch còn thiếu các tiêu chuẩn về xác định độ chín ảnh hưởng tới chất lượng sầu riêng. Đặc biệt, chúng ta vẫn còn tình trạng mua sầu riêng non, tranh mua tranh bán, hủy cọc, bẻ kèo... ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường.
Trong bối cảnh sầu riêng của Việt Nam có giá trị xuất khẩu ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành hàng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng này trên thị trường quốc tế, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm cũng là yếu tố then chốt.
Để sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xây dựng các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu và có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các địa phương. Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận và không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu; chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra đối với các lô hàng sầu riêng xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm từ sầu riêng.