Đại án ngành ngân hàng
Theo đó, TAND TP Hà Nội đang xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” xảy ra tại 3 đơn vị là: Ngân hàng Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB).
Tại vụ án, Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cáo buộc gây ra 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng. Trong số 26 bị cáo, 17 cá nhân là cựu cán bộ, nhân viên NCB, VAB và PVCombank bị cho là đã giúp Nguyễn Thị Hà Thành hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định rồi lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Theo cáo trạng tại phiên tòa, giai đoạn 2016 – 2018, “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo 371 tỷ đồng của 3 ngân hàng PVCombank, NCB, VAB và 63 tỷ đồng của 4 người khác.
Để đạt được mục đích, Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền ông Đặng Nghĩa Toàn (ở Hà Nội) bằng hình thức yêu cầu người này gửi tiền vào NCB qua 4 sổ tiết kiệm. Nguyễn Thị Hà Thành giữ các sổ này, sau đó giả chữ ký của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn để vay NCB 47,5 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.
Tương tự, Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Đặng Nghĩa Toàn gửi tiền tiết kiệm vào PVcomBank. Nguyễn Thị Hà Thành sau đó lại dùng các sổ tiết kiệm này vay gần 50 tỷ đồng.
Tại VAB, Nguyễn Thị Hà Thành cũng nhờ ông Đặng Nghĩa Toàn và nhiều người khác gửi tiền để chị ta giữ sổ tiết kiệm. Nguyễn Thị Hà Thành sau đó dùng các sổ này làm tài sản đảm bảo, vay và chiếm đoạt 273 tỷ đồng.
Cũng tại phiên tòa, vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn đề nghị 3 ngân hàng NCB, PVCombank và VAB phải trả lại ông 122 tỷ đồng kèm tiền lãi của số này. Đại diện PVCombank từ chối vì cho rằng, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm phải trả tiền cho ông Đặng Nghĩa Toàn.
VAB có quan điểm, ông Đặng Nghĩa Toàn giúp Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt tiền của ngân hàng nên cần tịch thu khoản tiền gửi để khắc phục hậu quả. Đối với NCB, trong giai đoạn điều tra chưa có ý kiến phần dân sự. Ngân hàng này cũng đã phong tỏa 4 tài khoản tiết kiệm trị giá 50 tỷ đồng kèm tiền lãi của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn.
Nhân viên nhà băng móc ngoặc siêu lừa
Trong vụ án này, Viện kiểm sát xác định có sai phạm liên quan hoặc tiếp tay của hàng loạt cựu nhân viên của các ngân hàng NCB, VAB và PVcomBank. Cơ quan tố tụng xác định, số vụ lừa đảo nhiều nhất với số tiền lớn nhất xảy ra tại Ngân hàng VAB với 21 vụ.
“Siêu lừa” Hà Thành câu kết với Quản Trọng Đức (cựu giám đốc chi nhánh), Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô) và một số cán bộ yêu cầu ngân hàng phát hành các hợp đồng tiền gửi trái quy định.
Viện kiểm sát xác định bị can Quản Trọng Đức đã giúp sức cho “siêu lừa” Hà Thành và đồng phạm thực hiện 19 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng.
Nguyễn Mai Phương bị cáo buộc giúp sức cho Thành và Nguyễn Thị Thu Hương (chuyên viên thuộc VAB) thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỉ của nhà băng.
Nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Nguyễn Thị Hà Thành. Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark). Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên Ngân hàng VAB). Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh VAB). Nguyễn Mai Phương (Kiểm soát viên Phòng Giao dịch Đông Đô VAB). Trịnh Trung Kiên (Giám đốc công ty xây dựng). Nguyễn Thanh Bình (kế toán công ty xây dựng).
Nhóm bị cáo bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”:
Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu Trưởng phòng khách hàng cá nhân, Phòng Giao dịch Đông Đô, VAB). Nguyễn Hồng Trung (nhân viên NCB).
Nhóm bị cáo bị truy tố tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”:
Trần Thị Hoa (cựu Giám đốc NCB Chi nhánh Hà Nội). Đặng Thị Thu Hoà và Phạm Thị Ngọc Lan (cựu nhân viên NCB). Đỗ Minh Đức (cựu kiểm soát viên VAB). Bùi Văn Tuấn (cựu nhân viên PVCombank). Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân, Phạm Thu Hiền, Lê Thị Hiên (cựu giao dịch viên VAB). Đỗ Thị Liên và Bùi Thị Na (cựu thủ quỹ VAB).
Nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”:
Triệu Đình Hoan (Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Linh). Nguyễn Thị Là và Triệu Thị Hạnh (nhân viên Công ty Hải Linh). Phạm Thế Tuấn (cựu giao dịch viên NCB). Nguyễn Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Giang Hoà (lao động tự do).
Vụ án kéo dài từ năm 2018, với năm lần điều tra bổ sung và hai lần tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Theo kế hoạch, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này diễn ra trong 15 ngày.