Nhiều ngân hàng 'mạnh tay' chi 20-30% cổ tức
Cổ tức luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cổ đông tại mỗi mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngành ngân hàng. Mùa ĐHCĐ của các ngân hàng năm 2024 sẽ được tập trung trong tháng 4 này.
Tính đến ngày 9/4, đã có 12 nhà băng công bố kế hoạch chia cổ tức và thưởng trong năm 2024.
Nếu như các năm trước, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu thì năm nay, nhiều nhà băng kết hợp chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu.
Năm nay do kết quả kinh doanh khả quan nên kế hoạch chi trả cổ tức của nhiều ngân hàng khá xông xênh. Chia cổ tức trên dưới 20% là phương án khá phổ biến của nhiều ngân hàng.
Techcombank hiện dẫn đầu về mức chi trả với tổng tỷ lệ là 115%. Theo đó, ngân hàng này sẽ trình cổ đông phương án dành hơn 5.283 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024.
Bên cạnh đó, HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để chi thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 100%.
Nếu được ĐHCĐ thông qua, đây sẽ lần đầu tiên Techcombank chia cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 1 thập niên và là lần đầu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 5 năm.
Ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức cao thứ hai sau Techcombank là MSB. Ngân hàng này có kế hoạch chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023. Như vậy, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu MSB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 30 cổ phiếu mới.
Sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ MSB sẽ tăng từ mức 20.000 tỷ đồng hiện tại lên 26.000 tỷ đồng. Việc chia cổ tức này sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB - mã: VIB) giữ 'ngôi sao' thứ 3 với mức chi trả tổng tỷ lệ là 29,5% gồm 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng.
Về kế hoạch trả cổ tức tiền mặt, trong tháng 2/2024, VIB đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 6% và sẽ trả tiếp tỷ lệ 6,5% vào ngày 17/5. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức tiền mặt là 3.171 tỷ đồng.
Về trả thưởng cổ phiếu, VIB sẽ phát hành 431,3 triệu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17% (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu VIB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 17 cổ phiếu mới).
Cùng giữ vị trí thứ 4 là các ngân hàng ACB, Nam A Bank và HDBank với mức chi trả tổng tỷ lệ là 25%.
Tại ACB, ngân hàng lên kế hoạch trích ra hơn 9.700 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỷ lên 44.666 tỷ đồng. ACB dự kiến thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ là quý III/2024.
Tại Nam A Bank, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu trong năm 2024 với tổng giá trị hơn 2.645 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ từ hơn 10.580 tỷ đồng lên hơn 13.725 tỷ đồng.
Tương tự, HDBank dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó gồm 10% tiền mặt 15% cổ phiếu. HDBank là ngân hàng có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm và chính sách này đã kéo dài suốt một thập kỷ vừa qua.
Cùng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng là MB (MBB) và OCB với tổng tỷ lệ chi là 20%.
Tại MB, ngân hàng này dự kiến sử dụng 10.613 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2023 để chia cổ tức cho cổ đông, bằng tiền mặt và cả cổ phiếu, tổng tỷ lệ 20%. Trong đó, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%. MB cũng dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng.
Có cùng tỷ lệ là 20% nhưng OCB dự kiếntrả toàn bộ cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng trong năm 2024. Nếu triển khai thành công, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí tiếp theo là SeABank. Ngân hàng này đã lên kế hoạch phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 13,18% và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 0,41%. Theo đó, vốn điều lệ của SeABank sẽ tăng thêm 3.393 tỷ đồng lên 28.350 tỷ đồng.
Tiếp sau là VPBank và Eximbank khi 2 ngân hàng này dự kiến trả toàn bộ cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Trong đó VPBank có kế hoạch sử dụng 7.934 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%. Thời gian thực hiện trả cổ tức là quý II và quý III/2024.
HĐQT Eximbank cũng đề xuất dùng 1.741 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, thông qua hai hình thức là cổ phiếu (7%) và tiền mặt (3%).
Eximbank dự kiến chi ra là 522 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt. Nếu được ĐHCĐ thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm.
Với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhà băng này dự kiến phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ đạt 18.688 tỷ đồng.
Theo dự thảo tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 của VietinBank sẽ trình ĐHCĐ năm 2024, toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng phúc lợi gần 14.000 tỷ đồng sẽ được đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu. Kế hoạch này sẽ được triển khai sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VietinBank cũng đã thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.521 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Một số ngân hàng không chia cổ tức
Bên cạnh những ngân hàng chia cổ tức cao cũng có một số nhà băng nói "không" với cổ tức trong năm 2024.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), kế hoạch chia cổ tức không được đề cập. Lần gần nhất Sacombank chia cổ tức là năm 2015, với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Như vậy, đã gần 1 thập kỷ cổ đông Sacombank không được chia cổ tức dù lợi nhuận giữ lại đã đạt 18.387 tỷ đồng.
Trong ĐHCĐ Sacombank được tổ chức vào ngày 25/4/2023, có tới 3 cổ đông cá nhân đứng lên phát biểu gay gắt về việc ngân hàng này không chia cổ tức trong nhiều năm qua.
Trước mong mỏi của cổ đông, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng muốn chia cổ tức nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công. Ông Dương Công Minh cho biết 2023 sẽ là năm cuối trong quá trình tái cơ cấu.
Tương tự, ABBank (ABB) cũng không chia cổ tức trong năm nay.
Trong tờ trình về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023, HĐQT ABBank cho biết, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này trong năm 2023 là 398,2 tỷ đồng.
Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 298,7 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là 1.542 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 1.840,7 tỷ đồng. HĐQT ABBank đề xuất sẽ để lại toàn bộ số lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Trước đó, trong năm 2023, ABBank đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.530 tỷ đồng. Giai đoạn ba năm 2021 đến 2023, ngân hàng đều liên tục nâng vốn điều lệ.
Chia sẻ tại ĐHCĐ năm 2024, cổ đông ABBank bày tỏ sự 'không vui' vì giá cổ phiếu không tăng.
Trả lời về vấn đề này, ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch ABBank khẳng định, sẽ có những cú hích để ABB đạt vốn hoá 3 tỷ USD.
Ngoài ra, một số nhà băng chưa công bố hoặc không có kế hoạch trả cổ tức trong năm nay là Vietcombank, BIDV, TPBank, LPBank...