Dữ liệu thống kê từ WiGroup, tính từ đầu năm đến 27/12 trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, khoảng 3.100 giao dịch của cổ đông lớn, người nội bộ hoặc bên liên quan doanh nghiệp đã thực hiện thành công (không xét các giao dịch chưa hoặc không có văn bản báo cáo). Trong đó chiều mua chiếm 54% và chiều bán 46%.
Trong năm qua, những giao dịch có khối lượng ấn tượng nhất tập trung từ việc thâu tóm cổ phần, lãnh đạo và bên liên quan doanh nghiệp bất động sản bán ra cổ phiếu để trả nợ, hay sắp lại cơ cấu cổ đông.
Những thương vụ khủng nhóm ngân hàng
Hoạt động thâu tóm và thoái vốn cổ phần trên sàn chứng khoán không quá nhộn nhịp trong 2023, song vẫn xuất hiện nhiều thương vụ đáng chú ý, với khối lượng lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ cổ phiếu.
Tại chiều mua, những giao dịch tại nhóm ngân hàng chiếm vị thế áp đảo bảng thống kê. Giao dịch lớn nhất năm thuộc về Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Tổ chức Nhật Bản đã mua 1,19 tỷ cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ của VPBank (Mã: VPB), trở thành cổ đông lớn với sở hữu 15,01% vốn. Tổng giá trị của đợt phát hành đạt hơn 35.900 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD).
Về giao dịch nội bộ, ông Ngô Chí Trung Johnny, con Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đã mua 70 triệu cổ phiếu , tương ứng với 0,88% vốn với giá trị khoảng 1.300 tỷ đồng. Sau giao dịch, con trai nhà lãnh đạo ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam lọt top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong tháng 1, SMBC đã thoái hơn 132 triệu cổ phần tại một ngân hàng thương mại khác là Eximbank (Mã: EIB), giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%. Không ngoại trừ khả năng cổ đông ngoại này đã thoái sạch vốn do quy định không phải công bố thông tin.
Cũng tại nhóm ngân hàng, Petrolimex đã thoái vốn tại PGBank (Mã: PGB). 4 nhà đầu tư (3 tổ chức và 1 cá nhân) đã mua đấu giá tổng cộng 120 triệu cp với giá bình quân là 21.400 đồng/cp, tổng giá trị 2.568 tỷ đồng.
Cổ phiếu cứu cánh nhiều doanh nghiệp bất động sản năm 2023
Ở chiều bán ra, làn sóng thoái vốn tại loạt doanh nghiệp bất động sản kéo dài từ 2022 qua 2023. Bán cổ phiếu là một phương án khả dĩ, khi thanh khoản bất động sản gần như đóng băng, trong khi doanh nghiệp cần có dòng tiền để duy trì hoạt động hay thanh toán các khoản nợ, đặc biệt là trái phiếu phát hành.
Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn đã hạ sở hữu xuống dưới 5% vốn và vẫn duy trì đến hết năm 2023. Các cổ đông lớn liên quan đến ông Nhơn gồm Novagroup và Diamond Properties thường xuyên ghi nhận động thái bán ra, bao gồm cả việc bị công ty chứng khoán giải chấp.
Giao dịch đáng kể nhất của nhóm này thuộc về Novagroup. Tính từ 30/12/2022 đến 15/12/2023, Novagroup đã bán ròng tổng cộng hơn 190 triệu đơn vị, hạ sở hữu xuống khoảng 382 triệu đơn vị, tương ứng với 19,6% vốn.
Tại Tập đoàn Đất Xanh, Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn đã bán 20 triệu cổ phiếu từ ngày 11/9 đến 25/9 , hạ sở hữu xuống mức 17% vốn. Vị lãnh đạo cho biết điều này nhằm lấy tiền cho Đất Xanh vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Số tiền vay tối đa là 300 tỷ đồng, thời hạn tối đa 6 tháng, lãi suất 6%/năm.
Một trường hợp khác, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Diệu Phương (đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT) đã bán lần lượt 16,3 triệu cổ phiếu và 18,2 triệu cổ phiếu HQC. Tổ chức liên quan ông Tuấn là Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Quân cũng bán hết 3 triệu đơn vị HQC.
Động thái thoái vốn vào giữa năm dường như đi ngược lại đánh giá Chủ tịch Tuấn đưa ra tại cuộc họp thường niên diễn ra vào tháng 4 trước đó. Vị lãnh đạo dự báo cổ phiếu HQC có thể tiến về mệnh giá (tức 10.000 đồng) vào 2024 (thị giá HQC chủ yếu dao động dưới 5.000 đồng/cp trong 2023), song song với nhiều triển vọng khả quan trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội.
CTCP Đầu tư Pacific Holdings, cổ đông lớn nhất tại Vinaconex đã hạ sở hữu đáng kể trong năm 2023. Tính từ 20/3 đến 31/8, tổ chức liên quan đến Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh đã bán tổng cộng hơn 64 triệu cổ phiếu, hạ sở hữu về 45,1% vốn.
Luân chuyển cơ cấu sở hữu trong nhóm cổ đông liên quan
Ngoài những giao dịch trên, năm 2023 ghi nhận nhiều giao dịch nội bộ khi hai bên mua bán là người thân khác trong gia đình hoặc bên liên quan. Ví dụ, tại Techcombank (Mã: TCB), 3 người con Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh mua hàng chục đến hàng trăm triệu cổ phiếu.
Cụ thể, bà Hồ Thủy Anh mua gần 150 triệu cổ phiếu; ông Hồ Minh Anh mua 72,1 triệu cổ phiếu; ông Hồ Anh Minh mua 34,4 triệu cổ phiếu. Các giao dịch tập trung vào 2 tháng cuối năm.
Bên bán là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ của ông Hồ Hùng Anh đã bán hơn 174 triệu cổ phiếu. Như vậy, nhiều khả năng đây là giao dịch sang tay giữa bà Tâm và 3 người cháu.
Xếp thứ hai về khối lượng mua trong năm 2023 là giao dịch gần 119 triệu cổ phiếu VIB (4,68% vốn) của CTCP Funderra. Đây là pháp nhân mới được thành lập ngày 14/7/2023, tức chỉ vài tuần đến lúc giao dịch, và liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB. Cá nhân ông Vỹ đang nắm giữ gần 125,6 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,949% vốn.
Trong khoảng thời gian khá tương ứng, ông Đặng Quang Tuấn, con của ông Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đã bán 124,7 triệu cổ phiếu VIB. Do đó, khả năng cao ông Đặng Quang Tuấn sang tay cổ phần cho Funderra.
Hay trường hợp tại cổ phiếu HPG, ông Trần Vũ Minh, con Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long gần 43 triệu cổ phiếu HPG trong đợt giao dịch kết thúc ngày 6/11. Ông Minh nâng sở hữu lên gần 134 triệu đơn vị, tương ứng với 2,3% vốn ông lớn ngành thép.
Ở chiều ngược lại, vợ chồng Chủ tịch Trần Đình Long lại thoái ra. Cụ thể, ông Long và vợ là bà Vũ Thị Hiền bán ra lần lượt 16,3 triệu và 26,6 triệu cổ phiếu. Thời gian tương đối trùng khớp khi các báo cáo giao dịch cùng cho thấy thời gian kết thúc vào đầu tháng 11.
Tổng quan năm 2023, nếu loại trừ thương vụ SMBC mua cổ phiếu VPB, bên bán có phần áp đảo hơn bên mua về mặt khối lượng giao dịch.