Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 1041/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS - HNX).
Theo đó, Chứng khoán APS bị phạt tiền 250 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) vì đã có hành vi vi phạm hành chính không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật.
Theo UBCKNN, từ ngày 22/9/2021 đến ngày 15/10/2021, Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Công ty) đã thực hiện giao dịch mua 4.500.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Mã chứng khoán: API) dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu của Công ty và người có liên quan (ông Nguyễn Đỗ Lăng - Ủy viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời là Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty) tăng từ 7.997.722 cổ phiếu API lên 12.499.722 cổ phiếu API (tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 22,59% lên 35,31% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương) nhưng Công ty không đăng ký chào mua công khai với UBCKNN.
Trước sai phạm trên, UBCKNN yêu cầu Chứng khoán APS từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm, quy định tại điểm c khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Đồng thời, APS phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, quy định tại điểm d khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Về kết quả kinh doanh quý 3/2022, Chứng khoán APS ghi nhận doanh thu đạt 180 tỷ đồng, tăng 221% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ ròng 363 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu APS tăng mạnh 93% lên 282 tỷ đồng, thế nhưng công ty có mức lỗ ròng 296 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 135 tỷ đồng. Kết quả lỗ đậm này đến từ mảng tự doanh của công ty, lỗ hơn 400 tỷ đồng trong kỳ. Dư nợ cho vay của APS cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh, từ 533 tỷ đồng đầu năm giảm xuống còn 154,4 tỷ đồng.
Thương hiệu Pháp luật