Liên quan tới vụ việc công ty chứng khoán VPS không trả lương cho cộng tác viên môi giới, chia sẻ với phóng viên, chị H.A trú tại quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi kí hợp tác là cộng tác viên môi giới với công ty VPS qua người quen giới thiệu. Tôi có mã giới thiệu và công việc là tư vấn khách hàng đầu tư chứng khoán, trái phiếu. Theo thỏa thuận, hàng tháng tôi sẽ được nhận lương (tiền hoa hồng khi khách hàng giao dịch) vào ngày mùng 10. Tuy nhiên, từ ngày kí hợp tác đến nay công ty không hề trả lương cho tôi, tôi liên tục liên hệ với người phụ trách nhưng đều nhận được câu trả lời thờ ơ...”
Chị H.A là nhân viên văn phòng, việc bỏ công sức và thời gian để chăm sóc khách hàng với hi vọng sẽ có thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc nợ lương nhiều tháng qua đang khiến chị H.A gặp khó khăn. " Công ty chứng khoán VPS liên tục quảng cáo là công ty uy tín, nhưng không rõ việc kinh doanh và vận hành ra sao dẫn đến việc nợ lương nhân viên như vậy khiên tôi rất thất vọng".
Đồng cảnh ngộ, anh V.H trú tại quận Cầu Giấy thông tin đến tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật: “Tôi lựa chọn rất kĩ công ty chứng khoán để nộp hồ sơ môi giới. Tuy nhiên đã 8 tháng tôi chưa được nhận tiền lương của mình. Tôi đã nhiều lần phản ánh lên lãnh đạo của công ty nhưng họ viện đủ lý do sau đó là im lặng... Liệu rằng đây có phải là một công ty uy tín thật sự hay không, khi mà những người hàng ngày cống hiến cho công ty nhưng nhận lại cái kết đắng...”
Tương tự, chị T.H cho biết đã thành lập một nhóm cộng tác viên bị công ty VPS “quỵt” tiền và sẽ đến Hội sở chính ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để yêu cầu công ty trả lương. “VPS từng tuyên bố nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của công ty. Tuy nhiên những gì họ đang làm lại đi ngược lại với giá trị cốt lõi, chuyên nghiệp...” - Chị T.H bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thành lập từ năm 2006, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) - trước đây là Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, có vốn điều lệ đạt 3.500 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản 10.274 tỷ đồng tính đến thời điểm 30/06/2019. VPS quảng bá, với tầm nhìn trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, đạt đẳng cấp quốc tế, được khách hàng, nhân viên, cổ đông tin cậy và mong muốn gắn bó lâu dài.
Liên quan tới vụ việc nêu trên, phóng viên đã có buổi chia sẻ với luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng văn phòng Luật Kết Nối.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: “Bộ luật lao động năm 2012 đã quy định nguyên tắc trả lương cho người lao động tại Điều 96 như sau:
“Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Như vậy, hành vi không trả lương cho người lao động là vi phạm quy định của pháp luật. Việc trả lương đúng thời hạn là rất quan trọng bởi người lao động cần có một khoản tiền để chi tiêu cho những khoản phát sinh trong cuộc sống, khi trả lương chậm hoặc không trả lương cho người lao động dẫn đến quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng và bị xâm phạm.
Người lao động khi không được trả tiền lương có thể thực hiện khiếu nại lên lãnh đạo công ty để lãnh đạo công ty có thể xem xét thanh toán đầy đủ tiền lương đúng hạn cho mình. Nếu công ty không thực hiện người lao động có quyền làm đơn gửi ra phòng Lao động Thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết.
Nếu vẫn không giải quyết được người lao động có quyền nộp hồ sơ khởi kiện ra tòa án nhân dân quận huyện nơi công ty có trụ sở.
Mức xử phạt đối với người sử dụng lao động về vi phạm tiền lương
Nếu công ty có hành vi không trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn thì tùy theo mức độ công ty đó sẽ bị phạt tiền theo Nghị định số 95/2013/NĐ–CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
– Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
– Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy khi công ty không trả lương, chậm quá theo quy định thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến thanh tra lao động thuộc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh hoặc khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu công ty trả lương cho người lao động.
Phóng viên Thương hiệu & Pháp luật đã liên hệ với công ty CP chứng khoán VPS nhưng chưa nhận được phản hồi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến sự việc./.
Thương hiệu Pháp luật