Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề xuất: Chủ đầu tư không phải xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án cao cấp

Đề xuất dự án nhà ở thương mại cao cấp, trung cao cấp không cần dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội được Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong kiến nghị về giải pháp tạo quỹ đất phát triển nhà xã hội trên địa bàn thành phố.

nha-o-xa-hoi-10-1733757937.jpg

Ảnh minh họa.

 

Sau “Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030” vào ngày 6/12/2024, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đưa ra đề xuất các cơ chế và giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng từ 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội tại TP HCM trước năm 2030.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ năm 2021 cho đến nay, TP.HCM chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn. Đây là kết quả khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để Thành phố thực hiện được chỉ tiêu đã đề ra.

Hiệp hội rất hoan nghênh Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi Mãi đã cam kết kéo giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dựng dự án nhà ở xã hội từ hơn 1 năm xuống còn không quá 6 tháng và trực tiếp chỉ đạo các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê đáp ứng nhu cầu thuê nhà của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân và công nhân lao động.

Sở Xây dựng cũng đã công bố danh mục 7 dự án nhà ở xã hội mời gọi đầu tư với khoảng 8.000 căn hộ và đã được rất nhiều doanh nghiệp bất động sản quan tâm nên có thể phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Sở Xây dựng cũng đã công bố 3 “thiết kế mẫu” nhà ở xã hội cao tầng, mà nếu được phép áp dụng trong thời gian tới thì sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho cả các chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước và giảm giá thành nhà ở xã hội.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, đã có 21 doanh nghiệp đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập với khoảng 52.000 căn hộ.

Trong đó, có 9 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa chỉ quỹ đất cụ thể thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp với khoảng 40.000 căn hộ. 

12 doanh nghiệp đăng ký, cam kết tìm quỹ đất trên địa bàn thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 12.000 căn hộ và tính gộp với 7 khu đất TP.HCM mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 8.000 căn hộ cùng với 10.000 căn hộ nhà ở xã hội do Thành phố dự kiến đầu tư công.

Theo ông Châu, như vậy TP.HCM có thể phát triển được khoảng 70.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, đáp ứng được chỉ tiêu 69.700 căn hộ (chỉ tiêu “mức thấp”) và Thành phố quyết tâm phấn đấu để thực hiện mục tiêu phát triển 93.000 căn hộ nhà ở xã hội (chỉ tiêu “mức cao”) đến năm 2030.

Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, ông Châu nêu giải pháp thiết thực nhất là các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức cùng chung tay phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện ngay các dự án nhà ở xã hội mà các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang có sẵn quỹ đất, nhất là quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội.

Ông Châu ước tính để hiện thực hóa mục tiêu 69.700-93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, TP.HCM cần khoảng 69-93 dự án nhà ở xã hội độc lập với quy mô trung bình 1.000 căn hộ/dự án. Tổng diện tích đất cần phải bố trí khoảng 96-130 ha. Trường hợp sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại thì tổng diện tích cần phải có khoảng 480-650 ha.

Để giải quyết bài toán quỹ đất, TP.HCM cần giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Thành phố giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư sau khi nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Chủ tịch HoREA khuyến nghị nên xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại theo đề xuất của chủ đầu tư dự án, không phân biệt dự án cao cấp, trung cấp hay bình dân, khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Dự án nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền - affordable housing) được xây dựng trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại.

Đối với dự án nhà ở thương mại cao cấp, trung cao cấp thì chủ đầu tư không phải xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án (trừ trường hợp chủ đầu tư đề xuất xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại cao cấp).

Chủ đầu tư được đề xuất thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội khi chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Về tín dụng, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép thí điểm thực hiện cơ chế giao Sở Xây dựng thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tương tự như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.