Doanh nhân xuất thân từ nhà khoa học
Bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp trường phổ thông Trưng Vương, sau đó được Nhà nước cử sang Liên Xô học chuyên về ngành chế biến sữa. Trong quá trình đào tạo ở Nga, bà Liên đã sớm tiếp cận các công nghệ chế biến sữa ưu việt và các kiến thức về máy móc, tự động hóa tiên tiến của thế giới.
Sau khi về nước, trải qua nhiều vị trí khác nhau trước khi được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc Vinamilk vào năm 1992, với nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc cùng năng lực quản trị tài ba, bà Liên đã có nhiều quyết định bứt phá mang tính “lịch sử”, đưa ngành sữa Việt Nam lên tầm cao mới.
Từ những hiểu biết, kiến thức có được khi du học về một ngành chế biến sữa tiên tiến, bà đã mạnh dạn cùng tập thể kĩ sư, chuyên gia Việt Nam đưa 3 nhà máy đi vào hoạt động ổn định sau khi tiếp nhận lại là Thống Nhất, Trường Thọ và Dielac. Trong thời gian này, bà cũng trực tiếp tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm của Vinamilk như Ngôi Sao Phương Nam, Dielac… Đây đều là những thương hiệu nổi tiếng, có chất lượng cao và được tin dùng đến hiện nay.
Đến những năm 1990, bà Liên cùng đội ngũ lãnh đạo công ty tiếp tục giải quyết bài toán khó khác của Việt Nam là luôn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Từ việc xây dựng đàn bò sữa trong nước, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu nội địa rộng lớn, hiện đại đã được hình thành và thay đổi diện mạo của ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.
Tại các TTBS Vinamilk, lần đầu tiên, nhiều công nghệ đã được ứng dụng như: phần mềm quản lý đàn qua chip điện tử được gắn cho mỗi cá thể bò, phần mềm quản lý khẩu phần ăn, robot vun đẩy thức ăn, dàn vắt sữa tự động…
Đây là kết quả của một chiến lược sắc bén nhưng chứa đựng tư duy của một nhà khoa học: Không chỉ nuôi được bò sữa tại xứ nhiệt đới như Việt Nam, Vinamilk sẽ áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất, tiên tiến nhất trên thế giới.
Gắn bó với nông dân, chú trọng “tam nông”
Một định hướng khá rõ nét trong tư duy phát triển bền vững và thực thi ESG của Vinamilk dưới sự dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên chính là sự chú trọng chính sách tam nông (Nông nghiệp-Nông thôn-Nông dân). Vinamilk đã bắt tay cùng người nông dân từ những năm 1990, và trải qua cả quá trình xây dựng, hợp tác bền vững, các TTBS của Vinamilk trở thành hạt nhân để phát triển kinh tế vùng, với mắt xích là người nông dân, từ đó tạo ra chuỗi giá trị đảm bảo hài hòa phát triển nông nghiệp và đời sống của người nông dân một cách bền vững.
Nhận định sức khỏe và thức ăn cho bò sữa là yếu tố tiên quyết để nâng cao chất lượng sữa tươi nguyên liệu, Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên đã yêu cầu đội ngũ của Vinamilk chủ động tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tập huấn nông dân về kĩ thuật, thức ăn chăn nuôi, thú y,... kèm theo các chính sách ổn định về thu mua sữa tươi nguyên liệu, giúp người dân chăn nuôi bò sữa hợp tác với Vinamilk không chỉ có thu nhập ổn định mà còn nâng cao tay nghề, có thêm kiến thức về nông nghiệp.
Trong 5 năm gần nhất, sản lượng bắp sinh khối của các hộ nông dân được Vinamilk thu mua tăng từ 66.000 tấn năm 2015 lên gần 200.000 tấn năm 2022. Các hộ dân trồng bắp, cỏ cung cấp cho trang trại cũng được Vinamilk hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt, gia tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đào tạo nhân tài, định hướng bền vững, chuẩn bị cho tương lai
Có lẽ từ chính thực tế của bản thân, khi có cơ hội tiếp cận với kiến thức tiên tiến của nông nghiệp thế giới, nên từ năm 1993, bà Mai Kiều Liên đã xây dựng chương trình đào tạo nhân tài, tài trợ cho các sinh viên giỏi sang Nga du học về ngành sữa. Từ chương trình này, đến nay đã có 6 thế hệ kỹ sư, chuyên gia giỏi về nông nghiệp và chế biến sữa tiếp nối nhau về nước làm việc và hiện đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý tại các đơn vị của Vinamilk.
Không chỉ chú trọng đào tạo con người, nhằm đưa công ty phát triển theo định hướng phát triển bền vững, từ năm 2012, ban lãnh đạo Vinamilk đã bắt đầu cho công bố báo cáo phát triển bền vững theo bộ tiêu chuẩn GRI Standards và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs). Trước đó, doanh nghiệp này đã có những thực hành tiên tiến về nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nhìn ra xu hướng tương lai và tất yếu của nông nghiệp là sự bền vững, bà Mai Kiều Liên cùng Ban lãnh đạo Vinamilk đã có sự đầu tư từ rất sớm cho các hệ thống như: tuần hoàn nước, xử lý chất thải kết hợp biogas biến chất thải thành phân bón, khí đốt; vận dụng tư duy kinh tế tuần hoàn, canh tác hữu cơ… Nhiều trang trại, nhà máy của Vinamilk đã đạt các giải thưởng về môi trường và PTBV như Organic Đà Lạt, nhà máy sữa Mega tại Bình Dương.
VietQ