Theo chia sẻ của anh Phong ở quận Tây Hồ, Hà Nội, hồi đầu tháng 12/2023, anh có đặt mua hàng qua mạng nhưng nhận được sản phẩm có chất lượng không đúng như quảng cáo. Hay như anh Phú vào một trang mua sắm trực tuyến, anh đặt mua chiếc ví da của một hãng nổi tiếng, được trang web bán hàng trực tuyến nói trên quảng cáo là sale sốc tới 80% do săn được hàng giá rẻ dịp Back Friday.
Tuy nhiên, sản phẩm mà anh nhận được không giống như hàng “chuẩn”, nhiều chi tiết không giống với ảnh được đăng trên trang bán hàng. Sản phầm có màu đậm hơn, có vết xước, chỉ khâu bị đứt vài chỗ, logo của hãng cũng không gắn chặt vào sản phẩm. Nghi mua phải hàng giả, hàng nhái, anh Phú gọi điện tới số điện thoại trên trang mua hàng trực tuyến, nhưng tổng đài báo số điện thoại không đúng.
Trước những vụ việc như trên, Hội bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đang ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Khi mua hàng qua các trang bán hàng trực tuyến hay mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin với các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm chức năng.
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra chiều 7/12, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhận định, vào dịp cuối năm, các hình thức lừa đảo trực tuyến, nhất là các cuộc gọi lừa đảo sẽ gia tăng. Người dân cần đặc biệt nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ.
Theo ông Nhã, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi điện thoại. Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn cảnh báo tới người dùng. "Tuy nhiên, ý thức cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống lừa đảo. Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trong quá trình sử dụng, tránh mở các đường link lạ, tránh các cuộc gọi lạ tiếp cận", ông Nhã nhấn mạnh.
Liên quan đến tình trạng lừa đảo, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT thống kê, 11 tháng qua, có gần 16.000 phản ánh lừa đảo được gửi đến các hệ thống cảnh báo. Trong đó, có hơn 91% giả mạo lừa đảo liên quan đến tài chính.
Cục An toàn thông tin đang triển khai một số giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức người dùng về an toàn thông tin, đẩy mạnh tiếp tục phát hành bộ cẩm nang nhận diện về lừa đảo trực tuyến giúp nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng phòng tránh cho người dân, xây dựng và đưa ra những cảnh báo và khuyến cáo kịp thời, phát triển kênh thông tin của Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia (tại địa chỉ khongianmang.vn) và trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, phát triển cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến, cung cấp các công cụ để người dùng có thể tự kiểm tra, đảm bảo an toàn thông tin.