Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Năm 2023, trao đổi thương mại hai nước Việt Nam - Brazil đạt 7,11 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước ước đạt 1,52 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 453 triệu USD, nhập khẩu từ Brazil với giá trị 1,06 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là hàng dệt may, máy móc và thiết bị, túi sách, vali, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép các loại... Mặt hàng hàng thủy sản đang có đà xuất khẩu tốt và tăng trưởng ổn định (tăng 84,4%).
Về nhập khẩu, các sản phẩm nhập khẩu chính của Việt Nam từ Brazil tăng mạnh, trong đó phải kể đến các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, ngô, chất dẻo nguyên liệu, các chế phẩm thực phẩm khác, thức săn gia súc và nguyên liệu... Nguyên nhân nhập khẩu tăng là để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và phục vụ sản xuất để xuất khẩu. Các sản phẩm nhập khẩu từ Brazil đạt chất lượng tốt và ổn định, đồng thời giá rất cạnh tranh và hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu về nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước.
Hai nước Việt Nam - Brazil phấn đấu tăng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.
Liên quan đến thị trường Brazil, ông Ngô Xuân Tỵ - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, dù có nhiều điểm sáng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Brazil đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là do chi phí vận chuyển và logistic tăng (không giảm sau đại dịch), cùng với giá nguyên vật liệu tăng từ lúc đại dịch đến nay... Và để có sự ổn định và phát triển trong xuất khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội cần đổi mới và khắc phục những hạn chế để có sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng cao và ổn định, duy trì xu thế cạnh tranh giá cả với các đối thủ xuất khẩu.
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần tăng cường hiện diện trực tiếp tại thị trường Brazil thông qua công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong Bộ Công Thương để tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp, các chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các hội chợ, triển lãm...Ngoài ra, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước để cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và cùng bảo vệ để mở rộng thị trường. Cùng đó, cần làm tốt hơn nữa trong xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh.
Trước đó, tại buổi trao đổi với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil Roberto Serroni Perosa cho rằng, nền kinh tế hai nước có tính bổ sung cho nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam có nhiều sản phẩm xuất khẩu tiềm năng sang Brazil như gạo, trái cây. Ngược lại, doanh nghiệp Brazil lại quan tâm đến việc xuất khẩu các loại thịt sang Việt Nam như thịt bò...
Brazil là nền kinh tế lớn của châu Mỹ Latin và đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Do đó, thông qua việc hợp tác với Brazil, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa hàng hóa vào sâu trong khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Ngược lại, Thứ trưởng cũng kỳ vọng, thông qua Việt Nam, các sản phẩm của Brazil có thể tiếp cận với các nước ASEAN.