
Đây là chia sẻ của ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tại một cuộc Toạ đàm về phát triển nhà ở giá rẻ cho người trẻ.
Theo ông Vương Duy Dũng, thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và người trẻ. Tại hội nghị gần đây, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đồng thời đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Riêng đối với nhóm lao động trẻ tại các đô thị, ông Dũng nhấn mạnh đây là đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ. Do đặc thù tay nghề còn hạn chế, thu nhập thấp và thời gian tích lũy chưa nhiều, nhóm này gặp nhiều khó khăn khi mua nhà theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, lao động trẻ lại có lợi thế về khả năng phát triển nghề nghiệp và gia tăng thu nhập trong tương lai. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn góp phần giải quyết bài toán nhà ở một cách lâu dài và bền vững.
Để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi, rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững.
“Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án”, ông Dũng cho biết.
Nói về phát triển nhà ở giá rẻ, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP HCM thông tin, nhu cầu về nhà ở xã hội tại TP HCM từ nay đến năm 2030 là khoảng 850.000 căn hộ. Do đó, việc Chính phủ giao TP HCM xây dựng 100.000 căn là hoàn toàn có căn cứ, nhưng rõ ràng con số đó vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Riêng trong nhóm người trẻ, cũng có người thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhưng cũng có nhiều người không thuộc diện chính sách. Với những người không nằm trong đối tượng ưu tiên thì họ buộc phải tiếp cận phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Nhưng hiện nay, phân khúc này lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể như với nhà ở xã hội.
Vì vậy, việc phát triển nhà giá rẻ hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của doanh nghiệp, vào việc họ có sẵn sàng tiết giảm lợi nhuận để tạo ra sản phẩm phù hợp với người mua hay không.
“Sắp tới, tôi nghĩ chúng ta cần tập trung vào chính sách phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, với những hình thức linh hoạt như bán, thuê và thuê mua”, ông Phạm Đăng Hồ nói.
Về tín dụng, ông Phạm Đăng Hồ cho rằng cần có các gói vay ưu đãi tương tự như đang áp dụng với chủ đầu tư NOXH, để hỗ trợ cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp.
“Chúng ta nên hình thành Quỹ tiết kiệm nhà ở, tức là người mua nhà nên có tâm lý tích lũy từ sớm, đóng góp dần vào quỹ mua nhà tương lai của mình. Khi đó, doanh nghiệp và người mua nhà có thể kết nối với nhau ngay từ đầu. Chứ nếu đợi đến khi người dân "có đủ tiền mới mua nhà" thì sẽ rất khó”, ông Phạm Đăng Hồ đề xuất.