Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về mức chênh lệch tối đa giá mua - bán vàng miếng

Ngày 14/7, Bộ Công an cho biết đã có góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012, trong đó có nội dung tăng cường quản lý Nhà nước, thực hiện chế tài để kiểm soát, ổn định đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Kiến nghị bổ sung quy định giới hạn biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng miếng

Theo Bộ Công an, dự thảo sửa đổi Nghị định 24 quy định việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng chưa đề cập cụ thể đến cơ chế quản lý, biện pháp quản lý giá mua, giá bán vàng miếng.

Trên cơ sở này, Bộ Công an đề nghị xem xét bổ sung ba nội dung chính.

Thứ nhất, cần quy định cụ thể việc các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải có quy trình và giải trình được cơ chế thiết lập giá, thay đổi giá trong ngày. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu trữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc tạo giá và thay đổi giá, bao gồm cả dữ liệu điện tử.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế cho phép cơ quan quản lý có thể can thiệp vào thị trường vàng khi cần thiết, bao gồm các cơ chế can thiệp vào giá mua – giá bán và cơ chế can thiệp vào cung – cầu thị trường vàng miếng.

Thứ ba, bổ sung quy định về biên độ chênh lệch tối đa giữa giá mua và giá bán vàng miếng.

bo-cong-an-vang-1752543822.pngBộ Công an đề xuất bổ sung quy định về mức chênh lệch tối đa giá mua - bán vàng miếng. Ảnh minh họa
 

Về các kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước cho biết căn cứ theo Luật Giá năm 2012 (sửa đổi năm 2023), vàng không phải là mặt hàng thiết yếu và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc do Nhà nước định giá. Giá mua, bán vàng do các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng miếng quyết định trên cơ sở cung – cầu thị trường và quy định của pháp luật.

Về cơ chế can thiệp, Ngân hàng Nhà nước dẫn các quy định tại Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối.

Cần có biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và giá vàng biến động

Về cơ chế "cân trạng thái vàng", phòng ngừa rủi ro biến động giá, Bộ Công an nhận thấy cơ chế cho phép các đơn vị được cấp phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng, nhưng không đề cập cụ thể các biện pháp để các đơn vị này có thể cân trạng thái vàng, cân/chốt giá vàng trong ngày để phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng.

Trong khi đây là ngành có rủi ro phụ thuộc vào giá vàng thế giới biến động và có tỷ suất sinh lợi thấp, nếu không có biện pháp "phòng thủ" chốt giá, thì từ lúc mua vàng trên sàn vàng thế giới đến khi nhập khẩu, sản xuất và bán ra thị trường, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại sản xuất vàng có thể gánh chịu toàn bộ rủi ro này.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng chỉ ra nguy cơ sẽ không thể khuyến khích các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhập vàng về sản xuất, phân phối để giảm chênh lệch khi giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước theo định hướng của Nhà nước, cũng như nguy cơ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp không phù hợp, trái quy định pháp luật để cân trạng thái vàng.

Do đó, Bộ Công an kiến nghị cần bổ sung quy định để doanh nghiệp không phải gánh toàn bộ rủi ro thị trường trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, phân phối vàng miếng như sau: Một là, cho phép các đơn vị có cơ chế cân/chốt giá hàng ngày. Hai là, có biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá và giá vàng biến động, ví dụ như cho phép sử dụng công cụ phái sinh hoặc cơ chế ứng phó theo chính sách tiền tệ.

Đề xuất ghi số sê-ri vàng miếng vào chứng từ giao dịch vàng

Vẫn theo Bộ Công an, quy định liên quan đến kinh doanh, sản xuất vàng miếng trong dự thảo chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng (với vàng sản xuất mới, vàng miếng móp méo được gia công lại, trong các giao dịch mua/bán, vàng miếng chuyển thành nguyên liệu... ).

Việc ghi nhận bắt buộc thông tin về số sê-ri vàng miếng tại chứng từ trong các giao dịch sẽ giúp hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, giúp việc quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi khách hàng.

Vì vậy, Bộ Công an cho rằng cần xem xét, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng, bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ trong các hoạt động, giao dịch trên.

Phản hồi về ý kiến này, NHNN cho hay sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ giao dịch.