Phạt, phạt nữa, rồi lại... phạt nữa
Những năm gần đây, thị trường làm đẹp ngày càng nở rộ, các spa, thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ… mọc lên ồ ạt. Nếu như trước đây, thẩm mỹ được xem là dịch vụ xa xỉ chỉ dành riêng cho giới thượng lưu thì giờ đây, việc làm đẹp đang trở nên phổ biến, trở thành hoạt động thường ngày.
Nắm bắt nhu cầu đó, ngành công nghiệp làm đẹp trở thành “miếng bánh ngon" của các chủ đầu tư. Thế nhưng, sự bùng nổ quá nhanh chóng của thị trường làm đẹp cũng kéo theo không ít hệ lụy, đặc biệt là khiến cho ngành này đang ngày càng trở nên “bát nháo”.
Theo thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Y tế TP.HCM, dưới vai trò quản lý của mình đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt cơ sở vi phạm. Thế nhưng, dường như những quyết định xử phạt này không hề làm “chùn bước” sai phạm đang xảy ra.
Tháng 2/2024, Sở Y tế TP.HCM ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Thẩm mỹ quốc tế Lucy (Thẩm mỹ quốc tế Lucy) địa chỉ số 44 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1 số tiền hơn 50 triệu đồng vì sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng,… khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể khi chưa được cấp giấy phép về hoạt động khám chữa bệnh.
Bên cạnh việc bị phạt hành chính, công ty này còn bị đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho đến khi có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Thế nhưng, quyết định xử phạt còn chưa “ráo mực”, theo ghi nhận của PV Chất lượng Việt Nam, công ty này vẫn tiếp tục mở cửa để tư vấn và nhận khách thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ. Ngày 25/4, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra và phát hiện cơ sở đang cung cấp các dịch vụ xâm lấn trái phép trên cơ thể người.
Nằm trong top vi phạm “khủng” nhất phải kể đến Phòng khám quốc tế Dr. Allen Chiropractic thuộc Công ty CP Y khoa quốc tế HTH khi đơn vị này bị Sở Y tế TP.HCM phạt hành chính đến 205 triệu đồng do hàng loạt vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh. Trong quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Y tế nêu rõ, Phòng khám quốc tế Dr. Allen Chiropractic mắc hang loạt vi phạm như: biển hiệu không đủ thông tin; niêm yết giá dịch vụ không đầy đủ; lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi đầy đủ; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; không đảm bảo một trong các điều kiện sau khi đã được cấp phép; quảng cáo các dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép.
Với 7 lỗi vi phạm nêu trên, ngoài bị phạt tiền, Phòng khám quốc tế Dr.Allen Chiropractic còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với Phòng khám chuyên khoa Phục hồi chức năng thuộc địa điểm kinh doanh Phòng khám Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Dr. Allen - Chi nhánh Công ty CP Y khoa quốc tế HTH trong thời hạn 02 tháng. Đồng thời, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám trong thời gian 1 tháng.
Một cụ bà 70 tuổi tử vong sau khi phẫu thuật căng da tại Bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn. (Ảnh: KIM THOA)
Không chỉ cơ sở thẩm mỹ, phòng khám xảy ra sai phạm, Bệnh viện thẩm mỹ cũng không thoát khỏi vòng xoáy.
Ngày 5/5, Sở Y tế TP.HCM nhận được báo cáo từ Bệnh viện đa khoa Tân Hưng về sự cố y khoa sau phẫu thuật thẩm mỹ khiến một phụ nữ sinh năm 1960 (ngụ tại quận 10, TP.HCM) tử vong.
Theo đó, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Tân Hưng (quận 7) vào ngày 27/3 làm các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nhưng sau ba ngày bệnh nhân khó thở, tay chân vã mồ hôi… rồi rơi vào hôn mê, phải thở máy. Trước tình hình đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) để cấp cứu. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng nhập viện, nữ bệnh nhân đã tử vong dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa.
Theo thông tin PV tìm hiểu được, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Tân Hưng để làm phẫu thuật thẩm mỹ bao gồm: hút mỡ bụng toàn phần, hút mỡ eo, đùi và cánh tay; tái tạo thành bụng phức tạp; cấy mỡ vùng mông; cắt da thừa mí mắt; thay túi độn ngực 2 bên. Hiện tại, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân. Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc triển khai khuyến cáo đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật.
Trước đó, ngày 13/3, một nữ bệnh nhân 70 tuổi đến Bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn (quận 1) để phẫu thuật thẩm mỹ cũng dẫn đến tử vong. Trong báo cáo của Bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn cho thấy, tối ngày 13/3, bệnh nhân T.L (70 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống nhưng tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.
Được biết, bệnh nhân này trước đó tới căng da vùng mặt và cổ, phẫu thuật thừa da mi dưới tại Bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn vào chiều ngày 13/3. Tuy nhiên, đến 18h15 cùng ngày, bà L. hôn mê sâu, tim rời rạc, được Bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn xử lý sốc điện và truyền nhiều loại thuốc. Bấy giờ, nhận thấy không khả quan nên bệnh viện đã chuyển bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175.
Đến nay, Sở Y tế TP.HCM và các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân vụ việc, tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, Bệnh viện này vẫn đang hoạt động bình thường.
Chế tài chưa đủ mạnh?
Theo Luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, phần lớn vi phạm tái diễn nhiều lần là do chế tài xử lý về vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh chưa đủ tính răn đe, còn quá nhẹ so với lợi nhuận mà ngành này mang lại.
“Một cơ sơ thẩm mỹ bị xử phạt 200 triệu đồng, với doanh nghiệp trong những ngành nghề khác đó có thể là số tiền rất lớn, nhưng với ngành thẩm mỹ, doanh thu lên đến vài tỷ một tháng, con số này lại chẳng thấm vào đâu. Nên thay vì đóng cửa để chấp hành án phạt, họ chấp nhận mở cửa đón khách. Cùng lắm, lại bị xử phạt lần tiếp theo” – Luật sư Lê Thu Thảo nói và cho biết thêm, nhiều cơ sở bị xử phạt đến “nhờn" nên họ xem quyết định xử phạt của cơ quan chức năng chỉ là một tờ giấy. Miễn sao, mỗi lần bị xử phạt họ đóng tiền đầy đủ là chuyện đâu lại vào đấy.
Bên cạnh đó, không thiếu những trường hợp, bị xử phạt xong lại tiếp tục tái phạm là do cơ quan chức năng chưa có sự quản lý sát sao.
Theo Luật sư Thảo, những cơ sở vi phạm, bị đình chỉ hoạt động mà còn cố tình vi phạm, mở cửa đón khách, chỉ cần các cơ quan chức năng quản lý sát sao, có cảnh báo cho người dân được biết thì họ làm sao làm. “Nếu như lực lượng chức năng thường xuyên tái kiểm tra cơ sở bị đình chỉ, vi phạm, đồng thời khách hàng không tới đó làm dịch vụ thì họ sẽ thực hiện nghiêm túc “án phạt” của Thanh tra Sở Y tế.
Thẩm mỹ quốc tế Lucy tái diễn vi phạm, dù đang trong thời hạn bị đình chỉ nhưng vẫn mở cửa hoạt động "chui". (Ảnh: KIM THOA)
Theo Luật sư Thảo, quan trọng nhất là chế tài xử phạt, xử lý những trường hợp vi phạm, tái vi phạm, cố tình vi phạm,... trong lĩnh vực y tế còn chưa đủ mạnh và khiến nhiều cơ sở thẩm mỹ phải “chùn bước”.
Cụ thể, theo Luật sư Thảo, hiện nay mức phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài việc phạt hành chính, đơn vị còn có thể bị áp dụng một số hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm;….
Tuy nhiên, luật sư Thảo cho rằng, việc làm này cũng có nhiều bất cập khi chế tài chưa đủ mạnh. Cụ thể, nếu cơ sở thẩm mỹ bị phát hiện sai phạm thì họ không hề nao núng, “sẵn sàng” nộp phạt và tiếp tục hoạt động, bởi mức xử phạt cũng chỉ đến thế mà thôi… Nếu lực lượng chức năng có phát hiện tái diễn vi phạm thì cùng lắm là phạt thêm tiền và tăng thời hạn đình chỉ hoạt động. Nhiều doanh nghiệp họ biết rõ ràng là sai nhưng vẫn chấp nhận đánh đổi để hoạt động.
“Không thể phủ nhận làm đẹp đang là ngành “hái ra tiền", thậm chí rất nhiều tiền. Nhưng cũng bởi vì lợi nhuận quá lớn mà nhiều cơ sở “bất chấp" vi phạm, “án chồng án", thậm chí là sử dụng chiêu bài “ve sầu thoát xác", “thay tên, đổi biển hiệu” để tiếp tục kinh doanh và phạm lỗi. Nếu như người dân không lên tiếng, báo chí không phản ánh thì những cơ sở đó vẫn tiếp tục hoạt động, thu tiền bất chính”, Luật sư Thảo bày tỏ.
Do đó, Luật sư Thảo cho rằng, cơ quan nhà nước cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với những trường hợp “cố tình" vi phạm, “cố tình" tái diễn vi phạm để ngăn chặn tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và nền kinh tế của Việt Nam.