Theo báo cáo tài chính kết thúc năm 2022 (tính đến ngày 31/12/2022) của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Bảo hiểm AIA), doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt 17.807 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm ngoái. Song song với đó, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng tăng 18,8% so với năm 2021, đạt 2.485 tỷ đồng.
Lãi sau thuế của Bảo hiểm AIA năm 2022 đạt 1.110 tỷ đồng, tăng 219 tỷ đồng, tương đương mức tăng 24,6% so với năm 2021.
Tổng tài sản của công ty tính đến ngày 31/12/2022 đạt 54.109 tỷ đồng, tăng 36,5%. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 31,7% và tài sản dài hạn chiếm 68,2%.
Đáng chú ý, Bảo hiểm AIA sử dụng 78,9% tổng tài sản của công ty để đầu tư tài chính, tương ứng với 42.720 tỷ đồng (bao gồm: 14.465 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và 28.255 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn).
Cũng theo báo cáo, nợ phải trả của Bảo hiểm AIA là 40.344 tỷ đồng, tăng thêm 25% sau 12 tháng. Trong đó, chiếm phần lớn nợ phải trả của công ty là nợ dài hạn, chiếm tới 92%.
Tính đến hết 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 13.767 tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần so với năm trước đó. Điều này đến từ việc công ty được Bộ Tài chính cho phép tăng vốn điều lệ từ 3.224,42 tỷ đồng lên 8.724,42 tỷ đồng (giấy phép điều chỉnh số 16/GPĐC12/KDBH ngày 30/3/2022).
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) (“AIA Việt Nam”) được thành lập vào năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và đầu tư tư tài chính.
Theo danh sách Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2023 do Công ty Cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA xếp vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng.
Theo số liệu từ Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2022 tăng 15,1% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,0%; trong khi tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận sự bứt phá mạnh (+15,3%) so với mức tăng khiêm tốn 4,3% của năm 2021, đồng thời đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, với bảo hiểm sức khỏe là sản phẩm có tỷ trọng lớn nhất.
Trong năm qua, bảo hiểm nhân thọ vừa trải qua 1 cơn biến động với loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.
Ngày 24/6, Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV công bố nêu rõ một trong những việc cần làm là thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ sớm xử lý các bất cập trong môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Vietnam Report, tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn của thị trường. Tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, sẽ còn rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Theo Đầu tư Tài chính