'Bảo hiểm nhân thọ đang trải qua khủng hoảng lớn nhất về niềm tin'

Chiều 24/4, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã có buổi chia sẻ, trao đổi thông tin về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại TP. HCM. Tại buổi chia sẻ, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho biết năm 2023 là giai đoạn khó khăn, thử thách đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng, cũng như toàn nền kinh tế nói chung.
bao-hiem-nhan-tho-1676992713.png
 

Luỹ kế đến 3 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 636.585 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 141.235 tỷ đồng, tăng 21%.

Tổng số hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 13.656.362 hợp đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4%.

Theo ông Ngô Trung Dũng, sự sụt giảm trong doanh phí bảo hiểm nhân thọ có thể do các hợp đồng đáo hạn, chấm dứt không được thống kê, hoặc do những lùm xùm thời gian qua làm suy giảm niềm tin của khách hàng.

Một lý do khác theo ông Dũng liên quan đến kênh bancassurance. Cụ thể, nhiều hợp đồng ký qua kênh bancassurance không được duy trì đến năm thứ 2 làm doanh số chung của thị trường bảo hiểm nhân thọ sụt giảm.

Tính đến hết quý I/2023, số hợp đồng ký qua kênh bancassurance đạt 2.920.710 hợp đồng, đóng góp doanh số gần 45.000 tỷ đồng, tương đương 25,2% tổng doanh số thị trường.

Còn trong năm 2022, số liệu từ IAV cho thấy có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, doanh số đạt 23.776 tỷ đồng, chiếm 46% doanh số khai thác mới.

Luỹ kế đến hết năm 2022, hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán qua kênh bancassurance, tổng phí là 44.959 tỷ đồng, chiếm 25% tổng doanh số.

Ông Ngô Trung Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm liên kết chung trong những năm gần đây khá cao, đơn cử trong năm 2021 tăng gần 40%. Theo ông, sự tăng trưởng nóng của sản phẩm bảo hiểm được cho là phức tạp này là nguyên nhân dẫn đến “khủng hoảng” bảo hiểm hiện nay.

Trong thời gian qua, ông Dũng cho biết IAV đã ghi nhận nhiều phản ánh về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và những hạn chế về kênh bancassurance.

Ông Ngô Trung Dũng cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm nếu không điều chỉnh sẽ khó tồn tại và phát triển.

Theo đại diện IAV, hiện tại là giai đoạn khủng hoảng lớn nhất về mặt niềm tin của ngành bảo hiểm. Trong số 730.000 đại lý có đến 3.000 đại lý có vi phạm.

Về chất lượng đại lý bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm về công tác quản lý chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm và chất lượng công tác chăm sóc khách hàng.

Cụ thể, ngoài các yêu cầu về rà soát và chấn chỉnh quy trình hoạt động, Cục cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường, bổ sung các chế tài xử phạt đại lý bảo hiểm trong trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên trực tiếp hoạt động đại lý bảo hiểm trong tổ chức hoạt động đại lý vi phạm nguyên tắc hoạt động đại lý và các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký kết; xử lý nghiêm đối với các đại lý, tổ chức đại lý khi có hành vi vi phạm.

Cùng với đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính; có hình thức đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức phù hợp đối với các đại lý bảo hiểm mà doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo dưới hình thức trực tuyến trong giai đoạn vừa qua.