Theo báo cáo, Vietnam Report đã chỉ ra vị thế và hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp. Theo đó, bản lĩnh chiến lược của doanh nghiệp không chỉ nằm ở phản ứng nhanh, mà còn ở việc định vị chính xác vị thế hiện tại của bản thân, từ đó đưa ra hướng đi phù hợp hoặc thu hẹp để tồn tại, hoặc đầu tư để bứt phá.

Theo Vietnam Report, các hướng đi, vị thế của doanh nghiệp sẽ dựa trên các yếu tố sau:
Dựa trên hai trục chính: mức độ cạnh tranh tương đối (phán ánh các yếu tố như tác động chi phí so với đối thủ cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn cung, năng lực mở rộng sản xuất) và nhu cầu của thị trường (đánh giá độ co giãn giá của sản phẩm và hành lang thương mại sẵn có), doanh nghiệp có thể đánh giá vị thế của mình và xác định hướng đi phù hợp:
Thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư mở rộng: Đối với các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh ngày càng cao và nhu cầu khách hàng đang tăng trưởng mạnh. Doanh nghiệp có vị thế thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động thương mại, bao gồm tối ưu hóa giá bán, mở rộng đội ngũ bán hàng hoặc sự hiện diện tại các kênh phân phối, và tăng sản lượng tại các cơ sở hiện có. Đồng thời, doanh nghiệp có thể xem xét đầu tư vào các hạng mục mang tính dài hạn như ra mắt sản phẩm mới, nâng cao thương hiệu, thực hiện các thương vụ M&A, hoặc phát triển cơ sở sản xuất mới.
Giành thị phần và bảo vệ biên lợi nhuận: Đối với các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, nhưng nhu cầu khách hàng thu hẹp, doanh nghiệp nên tập trung vào các hành động tận dụng năng lực nội tại và tránh các khoản đầu tư vốn lớn, ít nhất cho đến khi nhu cầu ổn định trở lại. Các biện pháp cần xem xét bao gồm điều chỉnh giá theo từng phân khúc khách hàng, triển khai chương trình giữ chân khách hàng, và mở rộng bán hàng sang các kênh và nhóm khách hàng mà doanh nghiệp đang có vị thế tốt hơn so với đối thủ.

Đầu tư để tái cấu trúc chi phí: Với các doanh nghiệp đang ở vị thế cạnh tranh suy yếu nhưng vẫn có nhu cầu khách hàng ổn định hoặc tăng trưởng, doanh nghiệp nên cân nhắc giảm chi phí để cải thiện biên lợi nhuận trong khi tiếp tục tận dụng nhu cầu thị trường. Các hành động trước mắt có thể bao gồm tái cấu trúc chi phí, cải tiến thiết kế sản phẩm để tối ưu giá trị, đàm phán lại với nhà cung cấp, tái cấu trúc chuỗi cung ứng có chọn lọc, điều chỉnh giá bán, và nếu có thể, đầu tư vào sự khác biệt hóa sản phẩm.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc rút khỏi các mảng kinh doanh không hiệu quả và đơn giản hóa danh mục sản phẩm và hoạt động vận hành. Về trung hạn, doanh nghiệp cần xác định các biện pháp nâng cao vị thế thị trường tổng thể – chẳng hạn như điều chỉnh chuỗi cung ứng, tái cơ cấu mạng lưới sản xuất và quản lý nhân sự.
Tái cấu trúc và tập trung nguồn lực: Đây là nhóm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất, khi lợi thế cạnh tranh và nhu cầu khách hàng đều suy giảm. Ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp là giảm thiểu tác động bằng cách đẩy nhanh các biện pháp kiểm soát chi phí, hoãn các khoản đầu tư vào các lĩnh vực mang tính rủi ro cao. Đồng thời, cần là tái cơ cấu toàn diện: tinh giản danh mục sản phẩm, rút lui khỏi các phân khúc kém hiệu quả, kiểm soát chi phí chặt chẽ và tập trung nguồn lực vào những thị trường, sản phẩm có khả năng phòng thủ tốt.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, thực tế, các doanh nghiệp đại chúng đang từng bước chuyển dịch chiến lược từ thích ứng ngắn hạn sang tập trung củng cố năng lực nội tại, kiến tạo nền tảng phát triển dài hạn. Đáng chú ý, 100% doanh nghiệp tiếp tục xác định đẩy mạnh đầu tư và đổi mới công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số một cách toàn diện là chiến lược ưu tiên hàng đầu trong năm 2025, cho thấy sự đồng thuận tuyệt đối về vai trò mang tính chiến lược của công nghệ trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa vận hành.

Khác với trước đây khi công nghệ được xem là chi phí đầu tư bổ sung, hiện nay các doanh nghiệp nhìn nhận đây là yếu tố sống còn – là đòn bẩy quan trọng để phục hồi, tái cấu trúc và tạo đà phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thể hiện kỳ vọng vào sự chuyển dịch từ mô hình cạnh tranh về giá sang cạnh tranh dựa trên giá trị sẽ ngày càng rõ nét hơn - với chất lượng sản phẩm, trải nghiệm và giá trị cảm nhận của khách hàng đóng vai trò trung tâm.
Do vậy, việc tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ là cốt lõi mà các doanh nghiệp chú trọng trong thời gian tới. Đồng thời, không ít doanh nghiệp cũng chủ động phân tán rủi ro qua việc đa dạng hóa thị trường và thúc đẩy hợp tác, liên kết hiệu quả trong chuỗi giá trị của ngành.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao tiếng nói chung, mà còn tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, và phối hợp xây dựng năng lực để gia tăng tính linh hoạt trong phản ứng với bất định.
Một điểm đáng chú ý là sự nổi lên mạnh mẽ của chiến lược phát triển bền vững và nâng cao trách nhiệm xã hội. Tỷ lệ doanh nghiệp đại chúng ưu tiên mục tiêu này đã tăng gần gấp đôi (từ 22,2% lên 56,7%), cho thấy bước chuyển rõ rệt từ tư duy “nên làm” sang “phải làm”.
Trong bối cảnh tiêu chuẩn ESG ngày càng đóng vai trò như một “giấy thông hành” - điều kiện tiên quyết để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc chủ động tái định hình giá trị cốt lõi, chuẩn hóa quản trị, nâng cao năng lực tuân thủ và minh bạch thông tin đang là yếu tố sống còn để doanh nghiệp bước vào “sân chơi” rộng lớn hơn.
Đây chính là cơ sở để doanh nghiệp phân tán rủi ro từ việc phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ, tạo nền tảng phát triển bền vững trong một môi trường kinh doanh khắt khe hơn về chuẩn mực và thay đổi về quy mô, tính chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường.