Theo dữ liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 2/2025 đạt hơn 18,157 triệu tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn được đảm bảo trong bối cảnh đầu năm thường có nhiều biến động về dòng tiền.

Tuy nhiên, tổng tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng chỉ đạt hơn 14,7 triệu tỷ đồng, tăng 106.520 tỷ đồng so với tháng 1 nhưng vẫn thấp hơn gần 3.900 tỷ đồng so với cuối năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm trong nhóm khách hàng tổ chức – một diễn biến thường thấy trong kỳ cao điểm chi tiêu đầu năm.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến hết tháng 2 chỉ còn hơn 7,36 triệu tỷ đồng, giảm tổng cộng hơn 305 nghìn tỷ trong hai tháng đầu năm. Trong đó, tháng 1 giảm 233 nghìn tỷ đồng, tháng 2 tiếp tục giảm hơn 71,6 nghìn tỷ đồng. Theo thông lệ, thời điểm đầu năm là lúc doanh nghiệp phải chi mạnh cho các hoạt động như trả lương, thưởng Tết, thanh toán nợ hoặc đầu tư chuẩn bị cho mùa kinh doanh mới. Điều này khiến nhiều khoản tiền gửi, đặc biệt là ngắn hạn hoặc không kỳ hạn, được rút ra để phục vụ nhu cầu vốn.
Trái ngược, nhóm khách hàng cá nhân lại cho thấy xu hướng tích cực hơn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, tiền gửi dân cư tăng hơn 301 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,26%. Riêng tháng 1 ghi nhận tăng 123 nghìn tỷ, tháng 2 tăng thêm 178 nghìn tỷ đồng – mức cao kỷ lục từ trước tới nay, đồng thời nối dài chuỗi tăng trưởng dương sang tháng thứ 13 liên tiếp.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay vàng còn nhiều biến động, tâm lý phòng thủ khiến người dân tiếp tục ưu tiên kênh gửi tiết kiệm, dù lãi suất huy động đang neo ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Về phía các ngân hàng thương mại, báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy BIDV tiếp tục là đơn vị có quy mô tiền gửi lớn nhất hệ thống, với hơn 1,97 triệu tỷ đồng. VietinBank và Vietcombank lần lượt xếp sau với các mức 1,62 triệu tỷ và 1,5 triệu tỷ đồng. MB ghi nhận hơn 722 nghìn tỷ đồng tiền gửi.
Trong nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank hiện dẫn đầu với hơn 585 nghìn tỷ đồng, theo sát là VPBank với hơn 552 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ trong 3 tháng đầu năm, VPBank đã thu hút thêm hơn 66,7 nghìn tỷ đồng tiền gửi từ khách hàng – tương ứng mức tăng trưởng tới 13,7%, cao nhất trong toàn hệ thống.
Dòng tiền của dân cư tiếp tục trở thành bệ đỡ cho hệ thống ngân hàng trong giai đoạn đầu năm 2025. Trong khi các doanh nghiệp có xu hướng rút tiền theo mùa vụ thì lượng tiền gửi cá nhân lại liên tục tăng, thể hiện tâm lý cẩn trọng và ưu tiên an toàn của người dân. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của khách hàng dân cư trong việc duy trì sự ổn định thanh khoản cho hệ thống tài chính, nhất là trong bối cảnh lãi suất vẫn thấp và nền kinh tế đang từng bước thích nghi với biến động toàn cầu.