1. Nghi ngờ các sản phẩm tài chính kỳ lạ
Warren Buffett và Charlie Munger đã nhiều lần chỉ trích chứng khoán phái sinh, tiền mã hóa và những “phát minh” tài chính khác. Sự thận trọng này được phản ánh trong cách hai người điều hành Berkshire Hathaway. Tập đoàn vay nợ rất ít và nắm giữ lượng lớn tiền mặt và cổ phiếu.
Một trong những câu nói nổi tiếng của Buffett là “Nếu bạn đã chơi poker trong nửa tiếng và vẫn không biết ai là gã khờ, thì bạn chính là gã khờ”.
Ngành tài chính có rất nhiều người chào mời bạn đủ loại sản phẩm theo những điều khoản mà họ đặt ra. Nắm giữ chúng chưa chắc đã giúp bạn sinh lời mà có khi còn khiến bạn tốn tiền vào các khoản phí khổng lồ.
2. Lạm phát và doanh nghiệp
Trước năm 2022, giới đầu tư đã không cần phải bận tâm về lạm phát trong suốt 4 thập kỷ. Nhưng những người nghiên cứu các bài viết của Warren Buffett biết rằng lạm phát là chủ đề quen thuộc của ông trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.
Trong lá thư gửi cổ đông năm 1981, Warren Bufett viết rõ rằng các công ty có khả năng chống chọi được với môi trường lạm phát có hai đặc điểm nhất định.
“Một là có khả năng tăng giá dễ dàng ngay cả khi nhu cầu cho sản phẩm không đổi và công suất sản xuất không được sử dụng hết mà không sợ bị mất lượng lớn thị phần hoặc khối lượng sản phẩm. Hai là khả năng tăng doanh thu (thường được tạo ra bởi lạm phát nhiều hơn hơn là tăng trưởng thực tế) chỉ với một phần nhỏ vốn đầu tư thêm”.
3. Biến động không phải rủi ro
Bảo hiểm là mảng kinh doanh lớn của Berkshire Hathaway, nên Warren Buffett và Charlie Munger luôn dành sự chú ý lớn đến rủi ro. Nhưng quan niệm về rủi ro của hai người rất khác với giới học giả tài chính.
Theo trang Morningstar, các học giả thích sử dụng biến động làm đại diện cho rủi ro, chủ yếu là bởi biến động rất dễ đo lường. Nhưng điều đó lại ngụ ý rằng tài sản sẽ trở nên rủi ro hơn khi giá giảm xuống - hoàn toàn ngược lại với suy nghĩ của một người lý trí về việc mua sản phẩm với mức giá thấp hơn.
Theo Warren Buffett, nhà đầu tư có hai rủi ro chính. Thứ nhất là rủi ro mất vốn vĩnh viễn. Thứ hai là rủi ro lợi nhuận không tương xứng với vốn.
4. Tính chính trực
Khi Warren Buffett đồng ý tạm giữ chức CEO của ngân hàng Solomon Brothers, ông cảnh báo các nhân viên: “Nếu để mất tiền của công ty, tôi sẽ thông cảm. Để mất danh tiếng của công ty, tôi sẽ trở nên tàn nhẫn”.
Ông đã đưa ra gợi ý về cách hành xử phù hợp cho nhân viên. Nhà hiền triết xứ Omaha nói, nếu bạn sẵn sàng để hành động của mình được đăng lên trang nhất báo chí cho người thân và bạn bè đọc, thì cứ làm như ý bạn.
5. Trong đầu tư, không làm gì có thể là hành động đúng
Warren Buffett là người hâm mộ bóng chày nhiệt thành. Ông cho rằng việc đầu tư thành công đòi hỏi sự kiên nhẫn có kỷ luật giống như những cầu thủ bóng chày giỏi nhất.
“Cuốn sách của Ted Williams viết rằng điều quan trọng nhất đối với cầu thủ bóng chày là chờ đợi cú ném phù hợp. Và đó chính xác là triết lý đầu tư của tôi - chờ cú ném phù hợp và chờ đợi giao dịch phù hợp".
"Chìa khóa trong đầu tư là để mặc hết cú ném này đến cú ném khác bay qua. Hãy chờ đợi cú ném đúng vào vị trí thuận lợi của bạn. Và nếu mọi người hét lớn: ‘Đánh đi, đồ vô dụng!’, thì hãy mặc kệ họ”.
Để mặc tiền nhàn rỗi cũng không sao. Rồi sẽ đến lúc thị trường điều chỉnh và đưa giá cổ phiếu về mức hấp dẫn.
6. Luôn học hỏi
Warren Buffett và Charlie Munger dành nhiều thời gian để đọc sách. Munger đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học, ông coi đây là điều cần thiết để hiểu được lý do khiến mọi người hành xử theo các cách nhất định.
Munger từng nói: “Bạn sẽ phải ngạc nhiên về số lượng sách mà tôi và Buffett đọc. Các con tôi trêu chọc tôi. Chúng nghĩ tôi là một quyển sách với hai cái chân thò ra ngoài”.
Một số cuốn sách mà Munger giới thiệu bao gồm Influence: The Psychology of Persuasion (tạm dịch: Những đòn tâm lý trong thuyết phục) của Robert Ciadini, The Selfish Gene (tạm dịch: Gen vị kỷ) của Richard Dawkins,Guns, Germs, and Steel (tạm dịch: Súng, vi trùng và thép) của Jared Diamond.
7. Quỹ chỉ số là phát minh tuyệt vời
Tờ Forbes cho biết tính đến cuối quý III/2022, danh mục đầu tư của Berkshire có trị giá tới 296 tỷ USD nhưng có tới 74% tỷ trọng của danh mục lại được phân bổ cho 5 cổ phiếu. Những con số này có thể khiến bạn nghĩ rằng Chủ tịch của Berkshire là một trong những người phản đối quỹ chỉ số dữ dội nhất.
Nhưng thực tế là Warren Buffett thường xuyên khẳng định quỹ chỉ số là cách tốt nhất để hầu hết các nhà đầu tư kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Ông cũng không tiếc lời ca ngợi huyền thoại đầu tư Jack Bogle vì đã phát động cuộc cách mạng quỹ chỉ số. Warren Buffett cho biết bạn có thể chấp nhận cả phương thức đầu tư chủ động lẫn thụ động.
8. Không nhà đầu tư giỏi nào chỉ chọn “giá trị” hoặc “tăng trưởng”
Trước khi kết bạn với Munger, Buffett trung thành với phong cách đầu tư “mẩu xì gà” của Ben Graham: tìm những cổ phiếu cực rẻ nhưng vẫn có thể tăng giá trong một thời gian ngắn, giống như mẩu xì gà còn một hơi bị vứt đi. Munger đã thuyết phục ông để ý đến những công ty tốt hơn dù chúng có thể đòi hỏi cái giá cao hơn.
Bài học ở đây là giá trị của một công ty bất kỳ phụ thuộc vào tiềm năng tăng trưởng và nhà đầu tư tự tin đến đâu rằng tiềm năng đó sẽ hóa thành hiện thực. Bạn không nên phân tích một công ty “giá trị” khác với một công ty “tăng trưởng”.
9. Chiến thắng “xổ số khai sinh”
Buffett đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông rất may mắn khi được sinh ra ở Mỹ và vào thế kỷ 20. Nếu ông được sinh ra ở địa điểm và thời gian khác, tài năng đánh giá các doanh nghiệp của ông có thể trở nên vô dụng. Ông gọi mình là người chiến thắng xổ số khai sinh (birth lottery).
Tâm lý biết ơn cuộc sống này có lẽ đã đóng góp cho thành công to lớn của Buffett. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người biết ơn có nhiều khả năng trở nên hạnh phúc và thành công hơn những người khác, tờ CNBC cho biết.
10. Chìa khóa hạnh phúc
Warren Buffett và Charlie Munger nói rằng chìa khóa cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc không phải một người vợ/chồng xinh đẹp, những đứa con thông minh hay những cuộc trò chuyện dễ chịu. Theo hai người, chìa khóa cho cuộc hôn nhân hạnh phúc là tìm kiếm người có kỳ vọng thấp.
Cuộc sống cũng vậy. Munger nói: “Một cuộc sống hạnh phúc rất đơn giản. Quy tắc đầu tiên để hạnh phúc là có kỳ vọng thấp. Đây là điều bạn dễ dàng làm được. Nếu bạn có các kỳ vọng phi lý, bạn sẽ sống khổ sở cả đời. Tôi rất giỏi trong việc kỳ vọng thấp và điều này đã giúp tôi trong cuộc sống”.
Doanh nhân Việt Nam