Xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD, tiến tới 11 tỷ USD trong năm 2025

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và sáng tạo, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng.

Xuất khẩu thủy sản về đích 10 tỷ USD trong năm 2024

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù trong bối cảnh năm 2024 khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng với khả năng thích ứng linh hoạt ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng với giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023. 

Hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đóng góp đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá tra mang về 2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở nhóm hải sản, mặc dù, gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu nhưng xuất khẩu cá ngừ vẫn cán đích 1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại cá khác đóng góp 1,9 tỷ USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 662 triệu USD; cua, ghẹ và giáp xác khác đạt 335 triệu USD, tăng gần 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch  VASEP, cho biết mục tiêu trọng tâm của ngành thủy sản năm 2024 là đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại mức 10 tỷ USD, trong bối cảnh lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm.

Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới tiếp tục làm xáo trộn thương mại toàn cầu; trong đó, có thị trường thủy sản. Hệ lụy đã làm chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tăng cao gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Mặc dù, đối diện với nhiều khó khăn thách thức, nhưng với tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt và sự quyết tâm, ngành thủy sản Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Dự báo ngành thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD, tiến tới 11 tỷ USD trong năm 2025. Ảnh minh họa

Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy. Đây là minh chứng cho thấy ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Cũng là cơ sở để ngành thủy sản Việt Nam kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Ngành thủy sản tự tin vượt mốc 10 tỷ USD, tiến tới 11 tỷ USD trong năm 2025

Tại Lễ Mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024 tổ chức tại TP.HCM chiều 23/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao các hoạt động của VASEP trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp, xây dựng mối liên kết với nông, ngư dân sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là sự linh hoạt trong chỉ đạo tổ chức sản xuất và xuất khẩu nông sản. Dự kiến xuất khẩu nông sản của nước sẽ thiết lập mốc 62 tỷ USD, thặng dư thương mại ở mức tăng cao, trong đó có đóng góp của lĩnh vực thủy sản.

Nói về năm 2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tiếp tục có những thách thức mới đối với ngành thủy sản, trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng. Dù vẫn sẽ có nhiều thách thức, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ sự tin tưởng, với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của VASEP và Bộ NN&PTNT, sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn này và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

"Tôi cũng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và sáng tạo, ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025, và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế...".

Liên quan đến ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận xét, ngành thủy sản là một trong những ngành hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực, có năng lực cạnh tranh cao, đi đầu trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, dư địa để phát triển còn rất lớn bởi theo Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) ước tính thị trường cho thuỷ sản toàn cầu là gần 180 tỷ USD và duy trì tốc độ tăng trưởng rất khả quan. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt mục tiêu xa hơn, không chỉ là 10 tỷ USD.

"Bộ Ngoại giao luôn cam kết đồng hành cùng VASEP và các doanh nghiệp trên con đường phát triển ngành thuỷ sản, thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Nhất là kết nối đối tác; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các khu vực mới (Trung Đông, Mỹ Latinh…); hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, rào cản thương mại cho doanh nghiệp (gỡ thẻ vàng IUU, kiện chống phá giá…), đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tập trung vào các dự án có tính dẫn dắt, lan tỏa, tạo đột phá…" - Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp thủy sản cần thay đổi để thích ứng

Về phía VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về việc đáp ứng các thay đổi của từng thị trường, trong đó đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, tiếp đến là trách nhiệm với môi trường, xã hội.

Theo ông Nam, để xuất khẩu các lô hàng thuỷ sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc phải tuân thủ thì bây giờ cần có thêm các chứng nhận bền vững, mà các yêu cầu này là của hầu hết người mua hàng, giới bán lẻ. Ví dụ người mua hàng châu Âu yêu cầu phải có chứng nhận ASC…

“Về phía nhà xuất khẩu, chúng ta phải có sự chuẩn bị cho các thay đổi đó. Hiện nay, châu Âu, Mỹ, Nhật là các thị trường có doanh số đứng top 3 trong xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam và các thị trường này đều có các yêu cầu về quản lý tài nguyên, yêu cầu phải chứng nhận thuỷ sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm”, ông Nam thông tin.

Ngoài ra, các chuỗi cung ứng phải có trách nhiệm tự chuẩn bị, mà liên quan nhiều nhất là yêu cầu phát triển bền vững ESG, vì vậy các doanh nghiệp phải tự nhận thức được vấn đề này và phải thay đổi để thích ứng. Đối với lĩnh vực thuỷ sản, số lượng hồ sơ đi kèm với lô hàng ngày càng nhiều hơn, từ các giấy tờ chứng minh an toàn thực phẩm, cho tới các chứng chỉ về ESG, môi trường, xã hội…

“Tôi cho rằng, trong tương lai những ngành kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là gắn với sức khoẻ con người sẽ luôn phải đương đầu với những yêu cầu khắt khe đó. Song nếu có sự chuẩn bị thì tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ đáp ứng tốt” - Phó Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.